Trái ngược với kỳ vọng của người tiêu dùng, ngay trong đầu tháng 4, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm được các hệ thống bán lẻ tăng giá bán từ 2-12%. Người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Mặt bằng giá mới được thiết lập
Theo ghi nhận của VnBusiness, nhiều mặt hàng thực phẩm như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng… tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, WinMart, Aeon, Lotte Mart, MM Mega Market, Emart... tăng giá với mức 5%-7%, một số mặt hàng tăng trên 10%.
Ngay trong đầu tháng 4, các doanh nghiệp bán lẻ đã điều chỉnh tăng giá trứng gia cầm từ 6-8% so với cuối tháng 3. |
Cụ thể, giá thịt gia súc tăng 2%-3%, thịt gia cầm tăng 6%-12%, trứng gia cầm tăng 6%-8%. Chi tiết hơn, trứng gà từ 28.000 đồng tăng lên 29.500 đồng/10 quả; trứng vịt từ 33.000 đồng tăng lên 35.000 đồng/10 quả. Giá gà công nghiệp nằm trong chương trình bình ổn từ 40.000 đồng được điều chỉnh lên 45.000 đồng/kg, gà thả vườn 59.000 đồng lên 67.000 đồng/kg, gà ta từ 84.000 đồng lên 92.500 đồng/kg, vịt từ 62.000 đồng lên 68.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp từ 46.000 đồng lên 48.000 đồng/kg…
Trong khi đó, đường RE là 24.500 đồng/kg, đường tinh luyện An Khê: 25.000 đồng/kg, muối ăn i-ốt: 4.300 đồng/túi; dầu ăn thực vật Nakydaco: 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít và 202.500 đồng/can 5 lít, dầu ăn Cooking: 40.300 đồng/lít.
Theo một số doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nguyên nhân hàng hóa trong chương trình bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá là do giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng nên kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Điển hình, sau 7 lần điều chỉnh tăng, giá xăng có xu hướng giảm nhưng mức giảm nhỏ giọt so với mức tăng phi mã trước đó, nên cộng đồng doanh nghiệp cũng bị động với giải pháp ứng phó biến động thị trường.
Dù vậy, trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sản xuất, nhà bán lẻ..., các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã không ngừng nỗ lực giữ giá cả hàng hóa ổn định đến hết tháng 3/2022. Bước sang tháng 4, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá mới áp dụng mặt bằng giá mới.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, hiện nay, nguyên vật liệu chi phí đầu vào tăng cao như lợn hơi tăng 10%, thức ăn chăn nuôi tăng 25%, xăng dầu tăng 40%... Tuy nhiên, sức mua yếu, chia sẻ với người tiêu dùng và chấp nhận giảm lợi nhuận nên thịt gia súc tham gia bình ổn thị trường công ty vẫn giữ giá, chưa điều chỉnh tăng trong đợt này.
Giám đốc một siêu thị lớn cho biết: "Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều đứng trước áp lực phải tăng giá để bù lỗ do giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. Doanh nghiệp bán lẻ cũng phải gồng gánh chi phí đầu vào tăng trong khi sức mua không khả quan, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận".
Gồng mình giữ sức mua
Việc điều chỉnh giá tăng bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ giúp các bên phần nào bù đắp chi phí đầu vào sản xuất và chi phí vận chuyển tăng trong thời gian hiện tại. Tuy vậy, một số nhà bán lẻ quan ngại, điều chỉnh tăng giá sẽ kéo giảm sức mua trên thị trường và ảnh hưởng đến doanh số vì người dân vốn đã thắt chặt chi tiêu trong thời gian qua do tình hình dịch bệnh, thu nhập giảm sút...
Mặc dù đã thích nghi với những cơn bão giá trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nhưng ở trạng thái bình thường mới, thu nhập người lao động chưa ổn định và cải thiện hơn trước thì biến động giá cả những nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tác động không nhỏ đến đời sống hàng ngày. Vì vậy, nhiều người dân cho biết họ càng phải thắt chặt chi tiêu và tìm đến các sản phẩm khuyến mại, giảm giá tại các siêu thị để mua sắm tiết kiệm mà vẫn đảm bảo nhu cầu hàng ngày.
Chị Linh, một nhân viên truyền thông ở Cầu Giấy kể, thông thường cuối tuần, chị thường đi siêu thị mua đồ dùng đủ trong cả tuần, nhưng thời điểm này giá nhiều mặt hàng tăng mạnh nên chị sẽ chọn các sản phẩm được khuyến mại và mua luôn cho cả tháng.
“Một nửa trong 12 món hàng mà tôi mua được giảm giá. Trong đó, trái cây và dầu ăn, tương ớt, quần áo được giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, giá các sản phẩm đường, sữa vẫn cao nên tôi mua số lượng bằng1/2 trước đó và chuyển sang các sản phẩm khác có khuyến mại”, chị Linh cho hay.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, lo ngại giá một số mặt hàng thiết yếu tăng sẽ làm giảm sức mua, nhiều doanh nghiệp và siêu thị tìm cách kích cầu thông qua các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, lãnh đạo một chuỗi siêu thị ở Hà Nội cho biết, khó có thể giảm giá tối đa các mặt hàng vì họ cũng đang chịu áp lực chi phí khá cao từ mặt bằng, nhân công, phòng dịch... Đặc biệt, có những doanh nghiệp phân phối vẫn đang phải gánh lỗ nên mức giảm trên "đã là quá sức" với họ.
“Trước mắt, để sức mua không giảm thêm, ngay trong tháng 4, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ phối hợp đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá, tập trung vào nhóm hàng trái cây, hàng tiêu dùng thiết yếu. Nếu tính toán trên giá thành, siêu thị và nhà phân phối khi khuyến mãi đang chia sẻ 50% áp lực tăng giá cho người tiêu dùng. Đây cũng là mức giúp họ bớt áp lực tăng giá đột ngột lúc này”, vị này nói thêm.
Thanh Hoa