Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 1.050 đồng/lít, giá bán là 20.730 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 1.140 đồng/lít, giá bán là 21.440 đồng/lít.
Giá xăng giảm lần thứ 4 liên tiếp. |
Giá dầu các loại cũng đồng loạt giảm, dầu diesel giảm 330 đồng/lít, giá bán là 22.200 đồng/lít; dầu hoả giảm 760 đồng, về mức 21.680 đồng một lít; dầu mazut cũng giảm thêm 560 đồng, còn 14.090 đồng/kg.
Để có mức giá trên, Liên Bộ đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 600 đồng/lít (kỳ trước là 450 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước) và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời không thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, giá xăng có lần giảm thứ 9 từ đầu tháng 7 và là lần giảm thứ 4 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trả qua 26 lần điều chỉnh. Trong đó, 13 lần tăng, 12 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/9/2022-03/10/2022) có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Đầu kỳ giá giảm do đồng USD tăng giá, lo ngại tăng trưởng kinh tế thấp, nhất là Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero Covid, giao dịch giảm khi thị trường chờ những quyết định của Mỹ và EU về các biện pháp trừng phạt Nga... Đến cuối kỳ giá xăng dầu lại có xu hướng tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dự kiến cắt giảm sản lượng của OPEC+, bão lớn trên vịnh Mexico, tồn kho dầu của Mỹ thấp hơn dự kiến...
Trước đó vào kỳ điều hành ngày 21/9, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm từ 450 - 1.970 đồng/lít.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.
Đồng thời, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/9/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 4,52% đến 6,69% (đối với mặt hàng xăng), tăng từ 34,15% đến 34,30% (đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel), giảm 6,42% (đối với dầu mazut) nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 21/9/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động giảm từ 5,41% đến 5,95% (đối với mặt hàng xăng), tăng từ 23,56% đến 30,94% (đối với hằng hàng dầu hỏa và dầu diesel), giảm 10,43% (đối với dầu mazut).
Thy Lê