Từ 15h ngày 8/5, theo quyết định điều chỉnh giá xăng dầu của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước đồng loạt tăng mạnh. Từ giữa năm 2017 đến nay, giá xăng được điều chỉnh tăng nhiều lần, điều này đang gây áp lực mạnh lên các doanh nghiệp (DN) vận tải, và đang tiềm ẩn nguy cơ về lạm phát kinh tế.
Giá tăng liên tục
Theo thông tin từ liên Bộ Công Thương – Tài chính, thời gian gần đây, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng và đứng ở mức cao. Giá thành phẩm thế giới xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON92) ngày 7/5 đứng mức 81,89 USD/thùng, là mức cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 8/5 là 80,801 USD/thùng xăng RON92 (tăng 2,821 USD/thùng, tương đương 3,62%); 83,432 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,254 USD/thùng, tương đương 2,78%); 86,080 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 2,419 USD/thùng, tương đương 2,89%); 87,403 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,210 USD/thùng, tương đương 2,59%); 412,698 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 15,706 USD/tấn, tương đương 3,96%).
Trước những diễn biến trên, liên Bộ đã quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức khá cao là 200 – 958 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5 RON92 là 958 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 958 đồng/lít), xăng RON95: 451 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 451 đồng/lít), dầu diesel: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít), dầu hỏa: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5 RON92 tăng 508 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 411 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 373 đồng/lít, dầu hỏa tăng 336 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 399 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 19.440 đồng/lít, xăng RON95-III: 20.911 đồng/lít, dầu diesel 0.05S: 17.107 đồng/lít, dầu hỏa: 15.917 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S: 13.759 đồng/kg.
So với một năm trước, giá xăng thời điểm hiện đã tăng khoảng 10%, trong khi giá các loại dầu tăng từ 30 – 40%, như dầu diesel 0.05S tăng từ mức 13.485 đồng/lít (ngày 5/6/2017) lên 17.107 đồng, dầu hỏa tăng từ 12.118 đồng/lít lên 15.917 đồng…
Việc tăng giá xăng dầu, nhất là dầu tăng mạnh, sẽ đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân |
Hiệu ứng domino
Trái với việc tăng giá các loại xăng chỉ tác động tới đối tượng người sử dụng xe máy, ô tô nhỏ – những phương tiện sử dụng xăng, việc giá các loại dầu tăng mạnh đang tạo áp lực khá lớn lên chi phí của các DN_vận tải đường bộ, đường biển – những đơn vị sử dụng các phương tiện chạy hầu hết bằng dầu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho biết thông thường khi giá xăng tăng 5%, DN vận tải sẽ cân đối điều chỉnh giá cước. Thời điểm hiện nay, trong khi tiêu hao xăng dầu không giảm được, các loại phí bến bãi chỉ có tăng, cạnh tranh đang cao do số lượng xe tăng thêm khá nhiều…, DN phải điều chỉnh tăng giá để bù chi phí, tránh thua lỗ.
Tất nhiên, việc tăng giá xăng dầu, nhất là dầu tăng mạnh, sẽ đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Đặc biệt là trong bối cảnh xăng dầu đang chiếm 40% giá cước vận tải, giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải tăng theo.
Tại Hải Phòng, Giám đốc một DN vận tải đường bộ có trên 200 xe đầu kéo than thở DN của ông đang xem xét tăng cước vận tải cơ bản khoảng 5% tại hợp đồng ký với khách hàng.
“Tuy khách hàng có hợp đồng dài hạn vẫn phải hỗ trợ thêm một phần phí tăng giá xăng dầu trong mức cước thực trả, nhưng hợp đồng ký với khách thường 6 tháng đến 1 năm, trong khi giá xăng dầu điều chỉnh 15 ngày mỗi lần, nên chúng tôi thống nhất phải thu thêm phí tăng giá xăng dầu trong tổng cước mỗi chặng đường”, vị giám đốc này cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Hầu hết mặt hàng, dịch vụ đều phải chịu chi phí vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp, nên giá cước tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng và người tiêu dùng lãnh đủ”.
Giới chuyên môn dự đoán trong thời gian tới, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu trên thế giới, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ tạo hiệu ứng domino khiến giá cả các mặt hàng khác đồng loạt tăng theo
Thêm vào đó, từ ngày 1/7, lương cơ bản sẽ tăng cộng với việc tăng viện phí, học phí theo lộ trình, nếu không kiềm chế giá xăng chắc chắn lạm phát sẽ tăng mạnh, cao hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra…
Hồng Nhung