Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905m3, trong đó, xăng E5 Ron 92 đạt khoảng 593.609m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng Ron 95 đạt khoảng 836.296m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%. Tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa tăng đáng kể, khoảng 33-34% so với năm 2017 (chỉ chiếm tỷ trọng 8-9%).
Đề xuất chỉ bán xăng E5
Tại buổi làm việc giữa các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho rằng tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng do dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng Ron 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng, việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt để sản xuất cồn E100 làm cho mức giá bán E100 gần đây tăng lên, chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng, gây khó khăn cho DN.
Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), muốn người dùng hiểu đúng về xăng E5 cần tuyên truyền, định hướng dư luận một cách đúng đắn. Đồng thời, khoảng cách chênh lệch về giá giữa xăng E5 và Ron 95 là 1.800-2.000 đồng sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro), cho rằng nên đặt vấn đề sớm triển khai bán xăng sinh học E5 Ron 95 và chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học trên toàn quốc là E5 Ron 92 và E5 Ron 95.
Đáng chú ý, ý kiến của Saigon Petro nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện DN đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao kiến nghị sớm triển khai xăng sinh học E5 Ron 95 và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ.
Phải tính tới hiệu quả của xăng E5 Ron 95 trước khi quyết định “khai tử” Ron 95 |
Hiện nay, một trong những vấn đề lo ngại lớn của các thương nhân đầu mối xăng dầu là giá sắn tăng cao. Theo Petrolimex, giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 khiến cho mức giá bán E100, gần đây tăng lên, chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng theo, gây khó khăn cho DN.
Ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Tùng Lâm, cho biết trong 10 tháng từ tháng 6/2017-15/4/2018, giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng), dẫn tới việc tăng giá E100 là bắt buộc, không phải vì lý do công ty độc quyền.
DN này mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất E100 trong nước thay vì nhập khẩu cồn từ nước ngoài.
Phải tính tới hiệu quả
Về đề xuất thay thế hoàn toàn xăng Ron 95, Ts. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng xăng dầu là mặt hàng độc quyền, quyền bán mặt hàng nào là quyết định của Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là cơ quan quản lý cần phải đặt câu hỏi là xăng E5 Ron 95 có đảm bảo không, tính tới cả hiệu quả sử dụng, có ảnh hưởng thiết bị máy móc không chứ không phải chỉ vì mục tiêu môi trường.
“Mỗi chính sách đưa ra phải có mục tiêu nhất định, phải tính tới hiệu quả của việc sử dụng máy móc. Hiện nay, người dùng vẫn hoài nghi về chất lượng xăng E5, không yên tâm về chất lượng. Nay tiếp tục thay thế hoàn toàn Ron 95 liệu có hợp lý?”, ông Long nói.
Theo ông Long, hiện nay chỉ có một đơn vị sản xuất ethanol là công ty TNHH Tùng Lâm, do độc quyền nên giá thành sản xuất xăng E5 cũng tăng cao. Trước kia, phương án sản xuất xăng E5 tính giá sắn chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg, đến nay thực tế đã lên tới 5.000 đồng/kg.
“Nếu muốn thay thế hoàn toàn xăng Ron 95 phải sản xuất được ethanol với giá cả hợp lý. 7-8 dự án sản xuất ethanol, nay chỉ có một đơn vị làm, chất lượng không cao nhưng giá thành cao. Trong khi đó, Thái Lan cũng dùng sắn để sản xuất ethanol nhưng hiệu quả hơn chúng ta vì công nghệ thiết bị tốt hơn”, ông Long nhấn mạnh.
Thy Lê