Ngành đường sắt từng phát triển có phần ì ạch, gặp nhiều khó khăn; doanh thu, thị phần liên tục giảm mạnh (đặc biệt trong thời kỳ Covid-19) và bị đánh giá hoàn toàn lép vế so với đường hàng không và đường bộ. Nhưng trong thời gian qua, đường sắt dường như đang có cơ hội để chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Từ xu hướng du lịch bằng tàu hỏa
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách di chuyển bằng tàu hỏa. Đặc biệt tại các chuyến tàu hỏa chất lượng cao ở những chặng ngắn như Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lào Cai, Đà Nẵng-Huế-Đồng Hới; Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Thuận…hầu như đều kín chỗ.
Tại một điểm đến thu hút khách du lịch mùa này là Đà Nẵng, Báo cáo của Sở Du lịch tại đây cho thấy, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ, số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa đã đạt hơn 16.000 lượt, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân cho sự tăng trưởng này, được các chuyên gia đánh giá một phần là do thời gian gần đây giá vé máy bay ‘vọt’ tăng cao, trở nên đắt đỏ. Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua đã chứng kiến có chặng giá tăng 15-20%, thậm chí gấp đôi so với ngày thường, kéo theo giá các tour du lịch cũng tăng cao. Điều này khiến nhiều người dân chuyển sang cân nhắc, lựa chọn các loại hình phương tiện khác, đặc biệt là tàu hỏa như một phương án tiết kiệm, phù hợp hơn.
Ngành đường sắt đang trở thành loại hình phương tiện được nhiều người lựa chọn. |
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Nguyễn Công Hoan nhận định: Việc vé máy bay trong nước tăng kéo theo giá tour tăng từ 10-15% khiến du khách phải cân đo đong đếm nhiều hơn cho việc lựa chọn phương thức di chuyển, và điều này đã mở ra cơ hội cho du lịch bằng tàu hỏa.
Đơn cử có thể so sánh, giá vé một chuyến bay khứ hồi của Vietnam Airline bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng dịp nghỉ lễ vừa qua lên tới khoảng 4,4 triệu đồng/vé. Nếu một gia đình 4 người cùng đi du lịch sẽ phải mất khoảng hơn 17 triệu đồng chỉ cho chi phí đi lại. Trong khi đó, vé khứ hồi tàu hỏa cùng chặng chỉ rơi vào khoảng 900.000 đồng/vé, tức rẻ hơn gấp khoảng 4 lần.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, thời gian tới giá vé máy bay vẫn sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng chung của ngành hàng không thế giới và khó có thể giảm trong thời gian gần. Và để tránh ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư các tuyến đường sắt mới để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách bền vững và hợp lý nhất.
Điều này đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành đường sắt để tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vươn mình trở lại là một trong những loại hình phương tiện di chuyển, du lịch chính của hành khách, bên cạnh đường bộ và đường hàng không.
Đến việc cải tiến để phát triển bền vững
Chia sẻ về những kế hoạch phát triển sắp tới, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, chủ trương của đường sắt là không cạnh tranh với các loại hình vận tải khác mà tập trung làm tốt những gì đã có, tập trung khai thác, quản lý, vận hành cho tới cải tiến phương tiện, thiết bị. Đặc biệt là nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm hấp dẫn.
Vừa qua ngành đường sắt cũng đã thể hiện sự đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh thông qua việc tung ra một số chương trình đi tàu kết hợp trải nghiệm tham quan, văn hóa. Đặc biệt như chuyến tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung”, “Chuyến tàu đêm tại Ga Trại Mát”, tàu Hà Nội - Hải Phòng Food Tour (du lịch ẩm thực)... đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo hành khách và nhận về những phản hồi tích cực.
Thời gian sắp tới, ngành đường sắt cũng sẽ đưa ra thêm nhiều chương trình, chính sách mới liên quan đến dịch vụ để hút khách cho dịp cao điểm hè như áp dụng nhiều chính sách giảm giá vé từ 5-10% và tăng chuyến tại một số tuyến cao điểm như Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng,...
Những điều trên đã cho thấy đường sắt đang làm tốt việc chuyển mình, đi lên mạnh mẽ trở lại. Nhưng có nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng để có thể bền vững và ‘đi đường dài’, ngành này vẫn cần thay đổi một số vấn đề cố hữu, liên quan đến cơ sở vật chất, dịch vụ.
Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch TSC nhận định, vấn đề đặt ra cho ngành đường sắt là phải duy trì được chất lượng từ phương tiện đến chất lượng dịch vụ, trang thiết bị, không để tình trạng xuống cấp.
“Đặc biệt, vấn đề lớn nhất mà nhiều năm qua là nỗi ám ảnh của hành khách là nhà vệ sinh trên tàu phải giải quyết được triệt để, không chỉ là trang thiết bị buồng vệ sinh mà cả vấn đề kỹ thuật xử lý chất thải, ngăn tắc, ngăn mùi”, ông Tùng nói.
Không chỉ vậy, những suất ăn trên tàu hỏa cũng từng nhiều lần gây tranh cãi trong dư luận khi có mức giá dao động từ 40.000-50.000 đồng, tuy nhiên đôi khi khá sơ sài và không được kỳ vọng.
Với vấn đề này, ngành đường sắt cho biết đang liên tục đổi mới, cải thiện trang thiết bị và chất lượng phục vụ, dịch vụ trên tàu cũng như gia tăng các dịch vụ tại trên tàu và các điểm đến.
Ông Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ, đơn vị sẽ quyết liệt cải thiện chất lượng vệ sinh trên tàu, điều hòa toa xe; cải tạo cơ sở vật chất phục vụ khách chờ tàu tại các ga như phòng VIP... Đội ngũ tiếp viên cũng được lựa chọn, đào tạo chuyên nghiệp hơn.
Có thể nói, giá vé hàng không đắt đỏ đã tạo ra thời cơ lớn để ngành đường sắt “chiếm sóng”, tuy nhiên để chiếm giữ được thị phần lâu dài, điều cốt yếu vẫn nằm ở việc bản thân ngành đường sắt phải liên tục giữ được chất lượng, đồng thời không ngừng cải tiến và đổi mới dịch vụ để thu hút, giữ chân khách hàng.
Bích Tâm