Giá tiêu trong nước tăng giúp người nông dân thêm tin tưởng vào loại cây trồng này. |
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 85.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 84.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 83.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 86.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu được thu mua là 85.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Cá biệt tại Bình Phước, có hộ đã bán được tiêu với giá 93.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân còn đợi tiêu đạt giá 100.000 đồng/kg mới bán.
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá tiêu luôn trong đà tăng và dự báo sẽ vượt mốc 85.000 đồng, giúp người dân phấn khởi. Nhưng đi ngược với giá tăng thì do ảnh hưởng bởi thời tiết nên tiêu không được mùa như mọi năm.
Ông Bùi Quốc Hay, Giám đốc HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cho biết, tiêu là cây đỏng đảnh nên cần nhiều thời gian, kỹ thuật chăm sóc. Vừa qua, do giãn cách xã hội nên thời gian chăm tiêu của người dân giảm đi. Cùng với đó là vấn đề thiếu nước tưới nên lá tiêu bị răng cưa và nhiễm một số bệnh.
“Nếu như mọi năm, 150ha tiêu của HTX sẽ cho sản lượng trung bình khoảng 380 tấn/năm thì năm nay sẽ giảm khoảng 10-15%. Tuy nhiên, giá tiêu đang có chiều hướng tăng giúp người dân yên tâm phần nào”, ông Hay chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Bảo, người trồng tiêu ở Quế Sơn, Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng bởi mưa bão, hạn hán nên tiêu bị chết hoặc ít trái. “Năm nay, tìm được vườn tiêu đẹp ở Quế Sơn rất khó”, ông Bảo nói.
Không chỉ một số tỉnh ở Việt Nam, theo các ngành chức năng, năm nay một số nước trên thế giới như Brazil, Malaysia, Indonesia, Campuchia… cũng bị mất mùa tiêu do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, khó khăn trong khâu vận chuyển trên thế giới nên lượng tiêu trong kho của các đại lý, công ty không còn nhiều, từ đó thúc đẩy giá tiêu tăng.
Tuy nhiên, lời khuyên đưa ra là người dân không nên thấy tiêu tăng giá mà đem gửi đại lý rồi đợi đến lúc tăng giá mới bán. Vì theo các chuyên gia, bài học cũ nhưng luôn mới đó là rất nhiều đại lý làm ăn chộp giật, không có hợp đồng ký kết nên khi tiêu tăng giá, người dân rất dễ bị rơi vào cảnh “tiêu bán lúc nào cũng không biết”.
Từng là người có kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, ông Bùi Quốc Hay cho biết, HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước thực hiện ký gửi cho doanh nghiệp liên kết theo chuỗi đẻ bảo đảm đầu ra. Trong mối liên kết này, thành viên HTX sẽ được lĩnh trước 70% giá tiền của hôm ký gửi. Còn giá lên thì HTX bán theo giá lên, giá xuống HTX bán theo giá tại thời điểm ký gửi nên hạn chế được thua thiệt cho người trồng tiêu.
Như Yến