Giá tiêu đi ngang so với cùng thời điểm ngày hôm qua. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 68.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 67.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 67.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức 70.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 69.500 đồng/kg.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu nên hầu hết thị trường lớn của Việt Nam đều giảm lượng nhập khẩu.
Lũy kế từ đầu năm đến 30/6/2022, Việt Nam xuất khẩu được 125.553 tấn (tiêu đen đạt 106.705 tấn, tiêu trắng đạt 18.848 tấn). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 568,8 triệu USD (tiêu đen đạt 456,4 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,4 triệu USD). So với cùng kỳ, lượng xuất khẩu giảm 19,1% tương đương 29.621 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% tương đương 67,6 triệu USD.
Trung Quốc tháng 6 nhập 2.999 tấn, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.619 tấn. Tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này 6 tháng đầu năm đạt 5.609 tấn, tuy nhiên lượng nhập khẩu này giảm 80,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu của Mỹ đứng đầu đạt 30.109 tấn và giảm 8%. Nhập khẩu cũng giảm ở Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập... Chỉ một vài thị trường có lượng nhập khẩu tăng như Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc... Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng chủ yếu: Mỹ, Đức, Hà Lan, Thái Lan, UAE...
Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 21.299 tấn (tiêu đen đạt 18.045 tấn, tiêu trắng đạt 3.254 tấn), so với cùng kỳ năm trước nhập khẩu tăng 25,9% tương đương 4.378 tấn. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia đạt 9.604 tấn, tăng 148.4%; Brazil đạt 5.292 tấn, tăng 7,6% và từ Indonesia đạt 3.950 tấn, giảm 37,6%.
Theo đánh giá, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc dù có tăng tốc nhưng dự báo giá tiêu chưa thể tăng trở lại trong ngắn hạn.
Như Yến