Xu hướng tiêu thụ hồ tiêu trên thị trường đang có dấu hiệu giảm. |
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu ở mức 70.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức cao nhất toàn miền 72.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, giá tiêu ở mức 69.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính giá tiêu hiện nay vẫn là nhu cầu toàn cầu giảm giữa tác động của tình hình kinh tế tài chính toàn cầu. Hiện thị trường trong nước đang được đánh giá là phụ thuộc vào các đơn vị xuất khẩu hồ tiêu, những doanh nghiệp FDI.
Một khi những đơn vị này chủ động hạ giá thu mua thì giá tiêu lại bị ảnh hưởng theo hướng đi xuống trên diện rộng, bất chấp sản lượng giảm hoặc tâm lý giữ hàng của người dân.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.
Trong đó, mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14%).
Năm nay, nhu cầu giảm đã dẫn đến xu hướng thị trường đi xuống trong thời gian gần đây. Nedspice dự báo, trong ngắn hạn, thị trường sẽ dao động quanh mức giá hiện tại cho đến khi có một bức tranh rõ ràng về thị trường cho năm 2023.
Đồng thời, những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam khá khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tốt hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để ước tính sản lượng và đánh giá vụ mùa năm tới.
Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, giá hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm và chi phí vận chuyển tăng cao, cho dù Việt Nam bước vào vụ thu hoạch rộ, giúp nguồn cung dồi dào.
Như Yến