Bộ Công Thương cho biết trong 10 ngày đầu tháng 3/2019, giá sắn nguyên liệu trong nước giảm nhẹ do nhu cầu yếu.
Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.700 – 2.850 đồng/kg, giảm 150 đồng/ kg so với cuối tháng 2/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.300 – 2.550 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với cuối tháng 2/2019.
Hiện tại, các đơn vị kinh doanh sắn lát chủ yếu nhập hàng dự trữ với hy vọng vụ sắn 2018 - 2019 sẽ khả quan hơn so với vụ 2017 - 2018.
Do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm, nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam tăng lên, trong khoảng 440 - 450 USD/tấn FOB cảng TP HCM (Ảnh minh họa: Internet) |
Do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm, nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam tăng lên, trong khoảng 440 - 450 USD/tấn FOB cảng TP HCM. Tuy nhiên, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam vẫn trong trạng thái ảm đạm do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc chưa có nhiều.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 136.860 tấn, trị giá 52,79 triệu USD, giảm 50,1% về lượng và giảm 47% về trị giá so với tháng 1/2019; giảm 20,4% về lượng, nhưng tăng 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2018, lên 385,8 USD/tấn.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 409.250 tấn, trị giá 151,82 triệu USD, giảm 28,5% về lượng và giảm 13,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 370,9 USD/tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Công Trí