Ngày 21/5, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đạt ngưỡng 50.000 đồng/kg. Giá phổ biến từ 45.000 đến 47.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng so với ngày hôm trước.
Theo ghi nhận từ thị trường, giá lợn hơi tại khu vực Trung, Tây Nguyên biến động 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm trước.
Biến động từng ngày
Cụ thể, toàn miền Trung, Tây Nguyên chỉ duy nhất tỉnh Hà Tĩnh có giá lợn hơi báo giảm 1.000 đồng từ 46.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại tỉnh Quảng Nam và Bình Định đồng loạt tăng 2.000 đồng lên lần lượt 43.000 đồng và 42.000 đồng/kg. Một số tỉnh như Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa và Lâm Đồng có giá lợn hơi ghi nhận tăng nhẹ 1.000 đồng/kg so với hôm trước.
Như vậy, giá lợn hơi ngày 21/5 trong khu vực vẫn được thu mua trong mức 40.000 – 48.000 đồng/kg. Cùng giá lợn hơi tăng, giá lợn giống khu vực này hiện duy trì mức 1 – 1,2 triệu đồng/con.
Tại các tỉnh thuộc khu vực phía Nam, giá lợn hơi vẫn giữ mức cao, đạt trung bình 43.000 – 46.000 đồng/kg. Đáng chú ý là hai ngày qua, giá lợn hơi ở Đồng Nai liên tục tăng và hiện đã cán mốc 50.000 đồng/kg.
Cà Mau và và Hậu Giang cùng có mức tăng 2.000 đồng/kg, Kiên Giang tăng 1.000 đồng/kg so với hôm trước. Toàn miền chỉ có tỉnh Đồng Tháp giảm nhẹ, từ 44.000 đồng xuống 43.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc,_đã xuất hiện tình trạng khan hiếm lợn để bán, thậm chí tại một số địa phương, tình trạng này trở nên tương đối nghiêm trọng khiến giá lợn hơi tăng khá cao.
Cụ thể, giá lợn hơi tại Hải Dương và An Lão (Hải Phòng) là 49.500 – 50.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc. Tại Thái Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng 3.000 đồng lên 48.000 đồng/kg, Hà Nam cũng có nơi tăng 2.000 đồng lên 48.000 đồng.
Các khu vực còn lại, giá lợn hơi không có nhiều thay đổi so với hôm 20/5: Hưng Yên dao động ở mức 48.000 đồng, cá biệt một số nơi lên tới 49.000 đồng/kg đối với lợn đẹp; Bắc Giang: 48.000 đồng/kg; Nam Định: 46.000 đồng/kg; Tuyên Quang: 44.000 – 45.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá lợn hơi ngày 21/5 tại miền Bắc được thu mua trong khoảng 40.000 – 49.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo không nên tăng đàn ồ ạt, dễ dẫn đến cung vượt cầu như hồi đầu năm 2017 khiến giá lợn giảm kỷ lục |
Không nên tăng đàn ồ ạt
Sau hơn một năm giá lợn xuống thấp, nhiều người chăn nuôi bỏ trống chuồng hoặc cầm chừng, giá thịt lợn hơi xuất chuồng gần đây bỗng tăng theo từng ngày. Đây là tín hiệu tích cực cho cả ngành chăn nuôi lợn.
So với thời điểm này năm ngoái – thời điểm mà tất cả các bộ ngành phải đồng loạt vào cuộc kêu gọi “giải cứu” thịt lợn, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện tại đã tăng gấp 2,5-3 lần và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.
Mức giá như hiện nay đã giúp người chăn nuôi có lãi, người kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cũng có lãi và người tiêu dùng cũng có thể chấp nhận mua được vì phù hợp với túi tiền.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết giá lợn bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4 đến giờ là nằm trong dự liệu, bởi đó là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu.
Ông Dương phân tích: giá lợn thời điểm này năm 2017 rất thấp, đặc biệt giá thấp kéo dài từ cuối năm 2016 sang đến năm 2017, khi đó, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương chỉ đạo các địa phương giảm cung, tăng cầu với chính sách giảm đàn nái, tăng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước, giảm nhập từ các nước khác.
Theo chính sách đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ, trang trại lớn cũng treo chuồng hàng loạt nên giá lợn hơi mới tăng trở lại. Thế nhưng chỉ những trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, có đầu ra ổn định mới tiếp tục tái đàn, còn những trại quy mô nhỏ vẫn “sợ”.
Ngoài ra, nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng góp phần làm tăng giá thịt lợn. Cụ thể, nếu phía Trung Quốc đánh thuế 25% với thịt lợn và đậu nành nhập khẩu từ Mỹ sẽ làm cho giá thịt lợn nhập từ Mỹ và chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc tăng. Khi đó, Trung Quốc phải tìm nguồn thay thế, và đây sẽ là cơ hội cho ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam.
Ông Dương dự báo mức giá trên 40.000 đồng/kg sẽ còn duy trì trong một thời gian tương đối dài do nguồn cung thịt lợn trên thị trường đã ngang bằng với nhu cầu.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cảnh báo các hộ nuôi lợn không nên gom hàng, dễ tạo sốt ảo, không bền vững. Đồng thời, cũng không nên tăng đàn ồ ạt, dễ dẫn đến cung vượt cầu như hồi đầu năm 2017 khiến giá lợn giảm kỷ lục.
Tuy vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lại nhận định việc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng chỉ là một trong những nguyên nhân. Nguồn cung có giảm nhưng không khủng hoảng đến mức độ trầm trọng để giá có thể tăng nhanh như hiện nay. Thực hư việc giá tăng mạnh như hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân sâu xa là do đâu.
“Chúng tôi cũng đã tìm hiểu, tham khảo các chuyên gia và công ty nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng”, một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay.
Hồng Nhung