Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2021 ước đạt 280 nghìn tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2021 giảm gần 30% so với cùng kỳ 2020. |
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 với 33,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2020 đạt 2,22 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019.
Năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia (gấp 2,7 lần) và Trung Quốc (tăng 92,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong năm 2020 là Iraq (giảm 70%). Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2020 đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 41,5% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 18,1%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Trong tháng 01/2021, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng. Giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên độ cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dẫn lại nguồn tin Reuters cho biết nhập khẩu gạo từ Bangladesh có thể tăng vọt trong niên vụ 2020/21 so với mức 100 nghìn tấn của niên vụ trước do nguồn cung hạn chế làm giá nội địa tăng cao.
Đồng thời, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Thy Lê