Theo ước tính, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, trị giá khoảng 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu (XK) giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá XK lại tăng tới 9,3%. Theo Bộ Công Thương, giá XK bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi nhuận lớn cho người dân trồng lúa.
Giá xuất khẩu cao
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết ngay đầu năm 2021, DN này đã XK lô gạo đầu tiên với 1.150 tấn gạo Hương Lài đi Malaysia và 450 tấn gạo Jasmine 85 đi Singapore. Lô hàng XK đầu năm có mức giá rất khả quan bởi gạo Jassmine 85 giá XK năm 2020 là 630 USD/tấn, nay XK với giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 720 USD/tấn nay XK với giá 750 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn Thái Lan. |
Đại diện một doanh nghiệp khác, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho hay sản lượng gạo XK của doanh nghiệp này năm 2020 giảm, nhưng giá bán khá cao đạt hơn 620 USD/tấn. Vì vậy, sản lượng XK giảm 4% nhưng giá trị tăng 10% nên thị trường gạo Việt Nam năm 2020 rất tốt. DN đã có đủ hợp đồng giao tháng 1 và đang ký tiếp hợp đồng giao trong tháng 2.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngoài lô gạo 1.600 tấn được công ty Trung An XK sang Singapore và Malaysia, chỉ trong 7 ngày đầu của năm 2021 đã có khoảng 100.000 tấn gạo được các DN của Việt Nam xuất bán đi các thị trường.
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan lại đang cho thấy sự lép vế hơn trong cuộc cạnh tranh. Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan vừa cho biết, Thái Lan kỳ vọng XK gạo năm 2021 đạt 6,5 triệu tấn, cao hơn lượng 5,8 triệu tấn năm 2020 – mức thấp nhất trong 20 năm do nhu cầu toàn cầu giảm vì COVID-19, thiếu hụt container và đồng Bạt tăng giá.
Dù lượng gạo XK của Thái Lan năm 2021 tăng nhưng không nhiều so với năm 2020 do 3 nguyên nhân chủ yếu bao gồm: Nhu cầu khách hàng vẫn hạn chế và có xu hướng chuyển sang mua gạo giá rẻ; tình trạng thiếu hụt container và sản lượng gạo trong nước sụt giảm.
Trong khi đó, Malaysia - khách hàng thân thiết của Thái Lan cũng bắt đầu chuyển sang mua gạo Ấn Độ. Do vậy, Thái Lan được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hơn 1,5 triệu container ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2021.
Giữ vững vị trí số 1
Từ những phân tích trên cho thấy năm 2021, ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục có những điều kiện thuận lợi để giữ vững vị trí số 1 thế giới. Song ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình cho rằng sang năm 2021, dịch COVID-19 vẫn còn nhưng các thị trường đã có sự chuẩn bị ứng phó. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư tập trung theo hướng bền vững từ vùng nguyên liệu gắn với chế biến và theo tín hiệu thị trường để không quay lại cảnh bấp bênh như những năm trước.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá năm 2020, sản lượng giảm nhưng giá trị XK tăng. Điều đó đến từ nhiều lý do, một trong những lý do quan trọng nhất là ngành đã chú trọng phát triển gạo thơm hay gạo giá trị cao; đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Đặc biệt, thời gian qua, ngành lúa gạo đã đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng vùng trồng trọng điểm gắn với đề án nông nghiệp hữu cơ để sản xuất gạo Organic. Đây là hướng đi mà ngành lúa gạo cần phải tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
"Người tiêu dùng trong nước và quốc tế đang rất quan tâm tới chất lượng gạo. Muốn tận dụng tốt Hiệp định EVFTA, trước hết gạo Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu của người châu Âu là ngon, bao bì bắt mắt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", ông Toản nhấn mạnh.
Theo đó, trong thời gian tới, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng cần tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo gắn với việc xây dựng chuỗi sản xuất đáp ứng nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu như EU, CPTPP hay tới đây là RCEP.
"Cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi ngành hàng gạo từ sản xuất tới chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm sau gạo. Nếu làm được điều đó thì giá trị XK của chúng ta sẽ cao hơn, phát triển bền vững hơn", ông Toản nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhìn nhận tới đây chúng ta phải cố gắng hơn để làm sao hạt gạo Việt Nam trở thành "hạt ngọc trời", đem lại giá trị chân thực cho người sản xuất. Nông dân là người vốn chịu thiệt thòi do hiệu suất, hiệu quả kinh tế của cây lúa so với các cây trồng khác còn chưa cao.
Do đó, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh: Cần đảm bảo hiệu quả bền vững, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, hiệu quả đa chiều cho những người tham gia trong chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo nói chung. Bất luận trong mọi hoàn cảnh phải thực hiện được mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Đây là mục tiêu căn cốt làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Lê Thúy