Cụ thể, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo loại 5% tấm, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung đến từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Ngoài ra, Bulog dành 200.000 tấn còn lại cho nguồn cung đến từ Pakistan.
Việc Indonesia mở thầu gạo trong thời điểm này được cho là sẽ khiến thị trường gạo thế giới cũng như Việt Nam sôi động trong những tháng cuối năm. |
Hạn chót để các doanh nghiệp nộp hồ sơ dự thầu là ngày 9/10. Kết quả dự kiến được công bố vào ngày 10 hoặc 11/10. Đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 25/12/2023.
Bulog yêu cầu quy cách đóng gói 50 kg/bao, bao đựng rỗng có khối lượng là 120 gram, phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển bằng đường biển lẫn đường bộ. Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm cung cấp thêm 1% số bao bì rỗng để dự phòng.
Việc Indonesia mở thầu gạo trong thời điểm này được cho rằng sẽ khiến thị trường gạo thế giới cũng như Việt Nam sôi động trong những tháng cuối năm. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm 2023, Indonesia đã vượt qua Trung Quốc và trở thành nước tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam. Theo đó, Indonesia đã nhập hơn 718.000 tấn gạo Việt Nam, tương ứng 361 triệu USD, gấp 16 lần cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thống kê ngày 5/10 vừa qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 613 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 598 USD/tấn.
Dù vậy, cũng có ý kiến nhìn nhận, từ nay đến cuối năm, giá gạo không xuống nhưng cũng khó tăng cao. Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) dự báo, giá gạo sẽ nằm quanh mức 600 USD/tấn, chứ khó tăng mạnh. Mức giá này sẽ là sự hài hòa của tất cả các bên. Người nông dân có lãi, doanh nghiệp dễ làm, dễ bán. Nhu cầu thế giới vẫn có, nhưng nếu tăng cao quá thì các nhà nhập khẩu chịu không nổi, họ sẽ chuyển sang mua mặt hàng lương thực khác.
Chưa kể, vào ngày 15/10 tới, mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ của Ấn Độ sẽ hết hiệu lực. Đây là mặt hàng Ấn Độ xuất khẩu khoảng trên 7 triệu tấn mỗi năm; nếu mức thuế suất trên được dỡ bỏ, thị trường gạo có thể "hạ nhiệt" và ngược lại.
Theo số liệu sơ bộ trong tháng 9/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 800.000 tấn, tương ứng 495 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 80% về giá trị so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng 2023, xuất khẩu gạo đạt 6,6 triệu tấn, tương ứng gần 3,7 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Với kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ vượt con số của năm ngoái (7,13 triệu tấn) và dự kiến sẽ đạt 7,8 triệu tấn với giá trị đạt trên 4 tỷ USD. Nếu kết quả trên đạt được, đây sẽ là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo.
Thy Lê