Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu (XK) cao su 7 tháng đầu năm 2020 đạt 662.000 tấn, giá trị 855 triệu USD, giảm hơn 15% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 68,2%, 4,8% và 3,2%.
Giá cao su khó phục hồi
Mặc dù XK cao su giảm trong nửa đầu năm, nhưng điều đáng mừng là trong tháng 7/2020, XK cao su của Việt Nam ước đạt 180.000 tấn, trị giá 217 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với tháng 6, tăng gần 8% về lượng nhưng giảm gần 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Hiện, giá xuất khẩu bình quân giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 1.206 USD/tấn.
Giá nguyên liệu giảm tạo điều kiện cho ngành sản xuất lốp xe phát triển (Ảnh minh họa: Internet) |
Làn sóng Covid-19 mới đang khiến nhiều chính phủ cân nhắc việc giãn cách xã hội, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đang đe dọa thị trường tiêu thụ cao su nói riêng, các sản phẩm khác nói chung sẽ khó khăn trở lại. Tuy nhiên, những ngày này, thị trường tài chính toàn cầu tăng cao, cùng với những phát hiện ban đầu từ 3 loại vắc xin thử nghiệm Covid-19 tiềm năng cho thấy kết quả tích cực, gia tăng kỳ vọng giải pháp y tế cho đại dịch toàn cầu.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su quốc tế (ANRPC), ngành cao su đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do cuộc khủng hoảng của dịch Covid-19 và đang có những dấu hiệu phục hồi. Sau khi giảm 15% trong tháng 5, 5,3% tháng 6, tiêu thụ cao su toàn cầu quý III/2020 được dự báo sẽ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Không phải đến năm nay, XK mủ cao su mới giảm do dịch Covid-19, mà kim ngạch XK mủ cao su đã giảm trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là sự sụt giảm này nằm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng cao su trên thế giới vẫn tăng trưởng. Theo phân tích của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá XK cao su bình quân của Việt Nam thấp là bởi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc vốn là quốc gia sản xuất và XK săm lốp ô tô rất mạnh sang Mỹ. Khi bị Mỹ áp thuế cao, ngành chế biến cao su của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng và giảm nhập khẩu cao su nguyên liệu. Trong danh sách các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chịu thuế bổ sung 10% có cả lốp xe ô tô. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới 68% kim ngạch XK cao su của Việt Nam, nên tác động bất lợi đến ngành cao su Việt Nam rất lớn. Năm nay, với việc Trung Quốc là quốc gia đầu tiên nổ ra dịch Covid-19, khiến XK lốp ô tô của Trung Quốc suy giảm mạnh, kéo theo XK cao su của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, mặc dù dịch Covid-19 đang có nguy cơ diễn biến phức tạp trở lại, nhưng nhu cầu cao su trong các ngành thiết bị y tế tăng mạnh là vẫn đang là đối trọng giữ cho giá cao su không giảm quá sâu. Tuy vậy, nhu cầu trong và ngoài nước còn yếu, trong bối cảnh xung đột thương mại các nước lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cầu của các nguyên liệu đầu vào, trong đó có mặt hàng cao su tự nhiên. Do vậy, trong thời gian tới, giá cao su tự nhiên XK của Việt Nam khó có thể phục hồi như trước giai đoạn đại dịch Covid-19.
Cơ hội tăng trưởng cho ngành chế biến cao su
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho hay, mủ cao su không phải là sản phẩm duy nhất của ngành cao su. Những năm qua, tiêu thụ mủ cao su, cao su thiên nhiên gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế, ngành cao su Việt Nam vẫn đạt những thành tựu vượt bậc, đó là giảm tỷ trọng XK mủ sơ chế, sản phẩm thô, tăng chế biến và XK khẩu cao su chế biến sâu. Trong đó, lốp xe có giá trị XK lớn nhất.
Theo ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VRA, kim ngạch XK các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm. Riêng năm 2019, kim ngạch XK lốp xe của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD. Năm 2019, Việt Nam có 186 doanh nghiệp tham gia XK lốp xe. Sản phẩm lốp xe của Việt Nam được XK tới 153 thị trường. Các thị trường lớn nhất là Mỹ đạt 604 triệu USD, chiếm 50,4%; Brazil: 40,6 triệu USD chiếm 3,4%; Nhật Bản: 36 triệu USD, chiếm 3,1%; Malaysia: 36 triệu USD, chiếm 3,1%…
Trong nhóm 10 doanh nghiệp XK lốp xe dẫn đầu có 2 doanh nghiệp trong nước là Công ty Cổ phần Cao su miền Nam (Casumina) và Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), còn lại là các doanh nghiệp FDI.
Tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa các thành viên OPEC+ đã đẩy giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục. Với doanh nghiệp trồng, khai thác mủ cao su hay ngành xăng dầu, khí thì đây được coi là một cú sốc lớn, nhưng giá dầu giảm lại là yếu tố có lợi với ngành cao su chế biến săm lốp.
Bên cạnh đó, nguồn cung ứng sản phẩm săm lốp xe các loại của các nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ, có thể bị giới hạn do tác động từ chính sách thương mại và dịch bệnh đối với sản phẩm từ Trung Quốc, có thể xem là một cơ hội đối với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp của Việt Nam.
Giá dầu giảm đã làm giảm giá cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, hai nguyên liệu đầu vào chính cho sản phẩm lốp xe. Các doanh nghiệp kinh doanh săm lốp như Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) và Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng được đánh giá là hưởng lợi lớn nhờ giá nguyên vật liệu giảm. Thực tế, các doanh nghiệp này đã báo cáo lãi tăng cao trong 2 quý đầu năm nay.
Theo dự báo của Tổ chức LMC và Fredonia, nhu cầu lốp xe thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 3 - 4%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020. Riêng tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 8%/năm, cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới.
Theo phân tích của các chuyên gia, sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam thời gian gần đây sẽ mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất săm lốp trong nước với tư cách là nhà cung cấp thiết bị, linh kiện phụ trợ. Đặc biệt, VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup), nhà sản xuất ô tô mới nổi hiện nay cũng bày tỏ tham vọng xây dựng thành công một tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ, trong đó có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp.
Chu Khôi