Ghi nhận tại các chợ ở Hà Nội như: chợ Đồng Xa, Nghĩa Tân, Cầu Giấy... giá các loại thịt lợn, thịt gà, thịt bò hiện vẫn tương đương so với thời điểm trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán, thậm chí có loại giảm so với những ngày cận Tết.
Thị trường biến động nhẹ
Cụ thể, giá thịt lợn loại ngon ở mức 150.000-180.000 đồng/kg. Giá gà ta làm sẵn dao động 100.000 -140.000đồng/kg, giảm 500-10.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp làm sẵn dao động 65.000-80.000 đồng/kg, giảm trung bình 5.000 đồng/kg so với những ngày cận Tết. Thịt bò thăn 290.000- 380.000 đồng/kg; tôm sú 420.000- 590.000 đồng/kg tùy loại. Giá cá trắm đen 135.000- 240.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ…
Mặt hàng rau xanh tuy có tăng nhưng không còn tăng mạnh như những ngày từ mùng 3-5 Tết. Tiêu biểu như nấm kim châm những ngày Tết có giá 15.000 đồng/gói 200 gam, thì nay chỉ còn 9.000-10.000 đồng/gói; bắp cải giá 9.000-14.000 nghìn đồng/kg; Cải cúc, cải xanh, rau muống... dao động từ 7.000-10.000 đồng/mớ.
Thời tiết miền Bắc đang lạnh là một trong những nguyên nhân tác động đến giá rau ở các chợ truyền thống. |
Nhiều tiểu thương ở chợ Đồng Xa (Hà Nội) cho biết, do sau Tết nguồn rau củ quả nhập về chưa ổn định, phong phú, thời tiết ở miền Bắc lạnh sâu làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng rau nên các mặt hàng này tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn ngày thường khoảng 10-15%.
Để đáp ứng nhu cầu thay đổi khẩu vị cũng như tìm một không gian ăn uống, tụ họp đầu năm, nhiều hàng quán mở cửa kinh doanh từ mùng 2 Tết. Tuy nhiên, khi đi ăn uống tại đây, các chủ hàng quán này vẫn tăng giá hoặc có tính thêm phí phụ thu. Có nơi tính phí 5.000-10.000 đồng/món ăn, uống; có nơi tính phụ thu 10-30%/tổng giá trị hóa đơn, thậm chí cao hơn... Chính vì vậy mà khách hàng tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) phải trả mỗi bát bún ốc với giá 70.000 đồng, tăng 10.000 đồng/bát so với ngày thường. Bánh tôm cũng tăng giá lên 80.000 đồng/suất.
Ông Hoàng Văn Tuấn, chủ một cửa hàng ăn uống ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, nguyên liệu trong những ngày này tăng cao do khan hiếm nguồn cung, cũng như để bù đắp việc trả lương cho nhân viên so với những ngày bình thường nên các chủ cửa hàng hầu như đều đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, các chủ cửa hàng cần tăng giá phù hợp, có thông báo rõ ràng cho khách hàng biết trước để tránh gây khó chịu, bức xúc trong quá trình thành toán.
Tại hệ thống siêu thị, giá các loại thực phẩm được giữ ổn định so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Big C, Hapro Mart, Co.op Mart, Vinmart… súp lơ xanh hiện có giá 59.000 đồng/kg, cải chíp 25.000 đồng/kg, cải xanh, cải bó xôi 26.000-52.000 đồng/kg, thịt lợn MeatDeli từ 140.000-180.000 đồng/kg…
Tuy giá các mặt hàng có giá cao hơn so với các chợ truyền thống nhưng chất lượng hàng hóa trong siêu thị lại được đánh giá cao vì bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các siêu thị đang áp dụng Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đã giúp người dân giảm số tiền phải trả khi mua hàng.
“Với tổng số tiền phải thanh toán cho một lần đi siêu thị là hơn 2.000.000 đồng, gia đình tôi được giảm hơn 40.000 đồng theo mức thuế VAT mới ở một số mặt hàng. Ngoài ra, tại siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mãi nên tôi thấy thoải mái hơn so với đi mua hàng ở chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa”, chị Nguyễn Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ.
Sức mua chưa cao
Theo đại diện nhiều siêu thị, chợ truyền thống, lượng khách đến mua sắm từ ngày 2/2 (tức mùng 2 Tết) đến nay giảm hơn khá nhiều so với những ngày giáp Tết do nhiều người vẫn còn trữ các loại thực phẩm, bánh kẹo, thức uống từ trước Tết. Nhiều gia đình về quê mang đồ theo nên nhu cầu mua sắm giảm. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Bộ Công Thương khi cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua của người dân chỉ tăng 3-5% so với tháng trước và không tăng cao hơn cùng kỳ với các năm trước.
Trước thực trạng này, các chủ cửa hàng, siêu thị đều có những tính toán phù hợp trong quá trình kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Tâm, tiểu thương chợ Đồng Xa chuyên bán gà cho biết, sức mua những ngày đầu năm khá chậm. Do đó, bà cân đối lượng hàng nhập về bán cho phù hợp, hiện giảm khoảng 50% so với trước Tết. Khoảng ngày 13 tháng Giêng, sức mua gà cùng tăng bà sẽ tăng lượng hàng nhập.
Ông Trần Đại Từ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thương mại dịch vụ Chợ Phủ (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, thông thường từ khoảng rằm tháng Giêng trở đi, nhu cầu mua sắm của người dân mới trở lại ổn định bình thường. Hiện, chợ đang chủ động các phương án về nguồn hàng, đảm bảo hoạt động kiểm tra, niêm yết giá để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và tiểu thương.
"Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đơn vị, HTX cung ứng hàng hóa để cân đối nguồn hàng sau Tết đồng thời hạn chế khó khăn trong khâu nhập hàng", ông Từ chia sẻ.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, từ mùng 2 Tết đến nay, người tiêu dùng chủ yếu chọn mua các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn. Siêu thị vẫn tiếp tục chạy các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, cũng như áp dụng chương trình vận chuyển miễn phí… để thu hút khách hàng.
Dự kiến từ sau ngày mùng 10 tháng Giêng, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bước và guồng quay, từ đó sẽ thúc đẩy sức mua và giúp giá cả hàng hóa dần đi vào ổn định. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc mua bán hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống ở các siêu thị sẽ là lựa chọn tốt hơn. Hàng hóa tại đây tuy có giá cao hơn nhưng thực chất lại không bị thổi giá, trong khi chất lượng luôn được bảo đảm. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các chương trình khuyến mãi, giảm thuế một cách rõ ràng hơn.
Như Yến