Thị trường cà phê đang đứng trước mối lo thiếu hụt nguồn cung. |
Trong đó, giá cà phê tại các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng ở mức 66.300 đồng/kg; giá cà phê tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum ở mức 66.400 – 66.500 đồng/kg. Cà phê nhân tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua trung bình đạt 66.700 đồng/kg và cà phê tại tỉnh Đắk Nông vẫn được thu mua ở mức cao nhất 66.800 đồng/kg.
Những ngày đầu tuần trước, giá cà phê trong nước đã tăng nhẹ, dù có 3 ngày giữa tuần giảm giá liên tiếp nhưng mức giảm rất nhẹ, chỉ khoảng 200 – 300 đồng/kg. Trong khi đó, đến phiên giao dịch cuối tuần (ngày 8/7) giá cà phê trong nước tăng “đột biến” đến 1.900 đồng/kg, đẩy giá cà phê tiến về đỉnh giá gần 67.000 đồng/kg và giữ nguyên đến nay.
Theo các chuyên gia, thị trường quay trở lại mối lo thiếu hụt cà phê trong ngắn và trung hạn, vì nguồn cung từ các nước sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Indonesia có dấu hiệu cạn kiệt. Điều này đã được giới đầu cơ tận dụng để kích giá London tăng vọt phiên cuối tuần.
Theo các chuyên gia, hụt nguồn cung Robusta trong ngắn hạn là hiện hữu, tuy nhiên, khi giá cà phê tăng đột biến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư do không thể đảm bảo tính bền vững trong giao dịch. Vì vậy, giá cà phê trong tuần này khó có khả năng tiếp tục tăng đột biến như tuần trước.
Cùng với đó, kỳ hạn tháng 7 mới bắt đầu, đây là thời cơ để kích giá tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam năm nay giảm hơn 7%, khiến lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu cà phê Robusta ngày càng cao hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu 1,02 triệu tấn cà phê với trị giá 2,405 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng nhưng lại tăng 3,0% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua của Việt Nam. Từ kết quả này, có khả năng năm 2023 sẽ là năm tiếp theo Việt Nam đạt mức kim ngạch 4 tỷ USD xuất khẩu cà phê (sau khi ghi nhận kỷ lục 4,06 tỷ USD vào năm 2022).
NY