Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cà phê Robusta thế giới kéo dài chuỗi tăng giá, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ảm đạm. Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2022/2023 của Việt Nam giảm từ 10 – 15% so với niên vụ 2021/2022, tồn kho trong dân gần như đã cạn kiệt.
Giá cà phê tăng mạnh trong 6 tháng 2023. |
Những ngày giữa tháng 6/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tiếp tục tăng mạnh. Ngày 19/6/2023, giá cà phê Robusta tăng từ 1.400 – 1.600 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 9/6/2023. Tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê Robusta tăng 1.400 đồng/kg, lên mức 66.500 đồng/kg; tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, giá tăng 1.500 đồng/kg, lên mức 66.000 – 66.700 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, giá tăng 1.600 đồng/kg, lên mức 66.400 đồng/kg.
Dự báo thời gian tới, giá cà phê Robusta tiếp tục xu hướng tăng. "Cầu vượt cung đã tác động tích cực lên giá mặt hàng này. Thời tiết không thuận lợi làm dấy lên lo ngại cà phê Robusta từ các nhà sản xuất lớn như Việt Nam và Indonesia bị ảnh hưởng, dẫn đến giá tăng vọt", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Tuy vậy, trong thời gian tới ngành cà phê Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức từ phía thị trường châu Âu. Ngày 16/05/2023, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng.
Đặc biệt, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường Châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
Theo quy định mới về EUDR, chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU. Được biết, 2,3 tỷ Euro từ các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu rơi vào các mặt hàng cà phê (chiếm 47,5%); gỗ (chiếm 35,2%) và cao su (chiếm 17,1%).
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), Việt Nam sẽ ban hành kế hoạch hành động quốc gia của ngành hàng cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu EUDR.
Theo đó, kế hoạch hành động sẽ bao gồm 5 nội dung: Xây dựng khung hợp tác công tư cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; Tuyên truyền, vận động đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng; Xây dựng các giải pháp kỹ thuật; Xây dựng kênh đối thoại; Huy động nguồn lực.
"Giá cà phê nếu có tăng cao nhưng đề nghị bà con nông dân cũng không được trồng, mở rộng diện tích cà phê xâm lấn vào diện tích rừng", ông Tuấn lưu ý.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, quy định khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.
"Bộ NN&PTNT coi việc tuân thủ quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EU có chương trình hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này, đặc biệt là các tác nhân quy mô nhỏ nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu của quy định.
Thy Lê