Giá cà phê tăng liên tiếp từ đầu tháng 8. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 66.900 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 67.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 67.600 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 67.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 67.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 67.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 67.300 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 67.400 đồng/kg.
Mối lo thiếu hụt nguồn cung cùng với nhu cầu sử dụng cà phê Robusta tăng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá cà phê liên tiếp tăng trong những ngày gần đây.
Dữ liệu xuất khẩu tháng 7 của Tổng cục Thống kê Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng này chỉ đạt 80.000 tấn (khoảng 1,33 triệu bao), giảm mạnh tới 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan Thương mại Chính phủ ở Indonesia báo cáo xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 6 đạt 247.635 bao, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Những dữ liệu này đã khiến thị trường tiêu thụ tiếp tục duy trì mối lo thiếu hụt nguồn cung cà phê Robusta, đẩy mặt hàng cà phê này liên tục tăng từ đầu tháng.
Trong khi đó, đồng Real của Brazil mạnh lên đã khiến người dân nước này bán cà phê chậm lại. Đây là cơ hội cho giá cà phê nội địa tại Việt Nam tăng.
Năm nay, giá cà phê trong xu thế tăng và đạt mức giá cao nhất trong lịch sử trong khi nhiều loại trái cây khác lại mất mùa hoặc khó tiêu thụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân có hy vọng với loại cây trồng này. Nông dân hạn chế chặt, phá bỏ cà phê để chuyển sang các loại cây trồng khác như mọi năm. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành cà phê Việt Nam giữ vị thế trên thị trường.
Dự báo, hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cây cà phê Robusta nhiều hơn so với cà phê Arabica.
NY