Giá cà phê được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 60.700 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 61.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 61.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua ở mức 61.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 61.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 61.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 60.900 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 61.000 đồng/kg.
Dù đi ngang nhưng so với đầu tuần trước, giá cà phê đã ghi nhận điều chỉnh tăng trong khoảng 100 - 200 đồng/kg. Nhìn xuyên suốt thị trường có thể thấy, giá cà phê trong nước liên tục tăng từ đầu năm đến nay. So với đầu năm, giá cà phê hiện tại đã tăng khoảng 40%, là con số mơ ước của những người trồng, kinh doanh cà phê. Nguyên nhân chính tác động đẩy giá cà phê tăng là do nguồn cung khan hiếm.
Theo ước tính, sản lượng cà phê trong nước vụ 2022 - 2023 chỉ đạt 1,5 triệu tấn, hiện nay đã xuất khẩu hơn 80%, lượng tồn kho trong dân không còn nhiều. Giá cà phê đang tăng cao, nhiều người dân tiếc vì gần như không còn hàng để bán. Theo dự báo, lượng cà phê Việt Nam thiếu hụt so với nhu cầu xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 300.000 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu hạt cà phê Robusta tăng cao bởi người tiêu dùng trên thế giới đang thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng lạm phát và suy thoái kinh tế.
Việc uống cà phê mỗi ngày là thói quen khó bỏ của nhiều người nhưng hạt cà phê Arabica lại quá đắt đỏ. Do đó, nhiều khách hàng tìm đến hạt Robusta với giá phù hợp hơn để phối trộn với hạt Arabica nhằm giảm chi phí nhưng vấn đáp ứng được nhu cầu. Đây là yếu tố thuận lợi cho giá Robusta Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo nhận định của chuyên gia, trong điều kiện thiếu hụt nguồn cung như hiện nay, giá cà phê được dự báo có thể tăng lên tới 70.000 đồng/kg trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước khó tham gia cuộc chơi này vì sân chơi đang dành cho các ông lớn có thể mạnh về vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp FDI đã gom hàng từ cuối năm ngoái, do đó lượng hàng trong dân cạn rất nhanh. Tuy cũng gom hàng nhưng doanh nghiệp trong nước lại gặp khó khăn từ việc tín dụng bị siết.
Như mọi năm, doanh nghiệp trong nước bắt đầu mua cà phê từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau để bán rải rác trong niên vụ. Tuy nhiên, năm nay, giá cà phê tăng nên người dân bán rất nhanh khiến hàng trong các hộ dân hiện còn rất ít.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu cà phê tháng 5 ước đạt 165.000 tấn với giá trị đạt 396 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2023 đạt 882.000 tấn và 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
NY