Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 306,1 triệu USD, giảm 1,2% so với tháng 11/2021, nhưng tăng 17,5% so với tháng 11/2021.
Diễn biến giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ 2020 đến nay. |
Tính chung, 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,06 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 12/2022 dự kiến tăng cao nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành hàng rau quả Việt Nam, do đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan.
Năm 2022, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”, siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực cửa khẩu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Mặc dù những tháng cuối năm xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã bớt khó khăn, nhưng tính chung trong 11 tháng năm 2022 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả đã nỗ lực tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Hà Lan...
Do đó, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng rau quả sang các thị trường này đạt kết quả khả quan. Đáng chú ý, mới đây, Hoa Kỳ đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam... Đây đều là các thị trường tiêu thụ khó tính, tuy nhiên xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường này, thì cơ hội cho ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày càng mở rộng.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị việc mở cửa được thị trường đã khó, nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), với đà tăng trưởng này, xuất khẩu rau quả năm 2022 khó có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD và con số khả quan là 3,1 – 3,2 tỷ USD, tương đương giảm 10% so với năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Vinafruit dự báo rằng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2023, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Đợt hạn hán vừa qua ở Trung Quốc khiến nhiều diện tích cây thanh long, trái cây bị hư hại, do vậy nước này sẽ tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thy Lê