Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh điều này tại Hội thảo CPTPP và EVFTA những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam ngày 18/7.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.
Các DN cần chủ động hơn nữa để nắm bắt thời cơ từ các FTA |
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm cùng với những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc theo hướng có lợi cho hàng hóa Việt Nam cũng như tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu đang tăng nhanh, dự kiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD với kế hoạch.
Cụ thể, riêng mặt hàng may mặc đạt 12,86 tỷ USD, tăng 15,27% - tăng khá so với mức tăng 8,32% của năm 2017. Mặt hàng vải đạt 787 triệu USD với mức tăng trưởng rất tốt 31,83%, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao cũng có mức tăng trưởng tốt như xơ sợi tăng 19%, vải địa kỹ thuật tăng 11,8%, phụ liệu dệt may tăng 19,1%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 10,78 tỷ USD, tăng 15,99% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị thặng dư đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là vải, áo thun, áo jacket, váy.
Tình hình đơn hàng của DN cũng rất khả quan, nhiều DN đã nhận đơn hàng đến hết năm. Một số DN đạt kim ngạch XK điển hình là: công ty TNHH May Tinh Lợi, tổng công ty CP May Việt Tiến, công ty TNHH Regina Miracle...
Ông Trần Thanh Hải đánh giá ngành dệt may sẽ là ngành hưởng lợi lớn nhất từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các DN cần chủ động, chủ động hơn nữa để nắm bắt thời cơ. "FTA sẽ trở thành vô nghĩa nếu DN không đáp ứng được quy tắc xuất xứ".
Cùng với đó, trong bối cảnh bất ổn thương mại từ chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ, một trong những yếu tố bất lợi mà Việt Nam phải hứng chịu là xu hướng lợi dụng danh nghĩa về xuất xứ của Việt Nam.
Ưu thế của Việt Nam giờ không phải nhân công, nhiều FTA mà còn là "lý lịch sạch". Hàng hóa nhiều nước sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam nhằm lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu, tránh thuế chống bán phá giá và trừng phạt thương mại.
Lê Thúy