Cách đây 5 tháng, giữa lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở TP.HCM, thông tin Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc quyết định bán lại 100% vốn của công ty Emart Việt Nam cho Tập đoàn Thaco bắt đầu rò rỉ trên thị trường trong nước và quốc tế. Và, khi thương vụ này được phía Thaco và Emart Inc chính thức xác nhận hoàn tất chuyển nhượng vào ngày 9/10 vừa qua thì một lần nữa, câu chuyện thực hiện thương vụ M&A ngược để thực hiện giấc mơ xuất ngoại của doanh nghiệp Việt Nam lại bùng lên.
Siêu thị Emart Việt Nam chính thức về tay Thaco. |
Doanh nghiệp Việt "lật ngược" thế cờ
Ngay khi sở hữu hệ thống siêu thị ngoại này, Thaco lên kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng không chỉ tại các thành phố lớn, mà còn các tỉnh thành khác trải dài Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2022, kế hoạch của Thaco đưa vào hoạt động thêm 2 cửa hàng tại TP.HCM và sẽ mở rộng hệ thống với 10 cửa hàng hoạt động vào năm 2025.
Dù không đề cập đến việc mở rộng quy mô mảng bán lẻ ra thị trường nước ngoài, song Chủ tịch tập đoàn Thaco cũng bày tỏ quan điểm trung thành với việc tìm các dự án để M&A. Tính đến thời điểm hiện nay, trong mảng bán lẻ Thaco cũng chưa có đơn vị thành viên nào hiện diện ở nước ngoài. Vì vậy, cũng có thể thương vụ này được xem là "phát súng" đầu tiên để Thaco chuẩn bị cho mục tiêu xuất ngoại.
“Cuộc chơi” đa ngành thông qua chiến lược M&A không chỉ là lựa chọn khôn ngoan của riêng Thaco, trước đó Vingroup, Vinamilk, Masan… cũng đã rất thành công. Trường hợp của Vingroup là ví dụ điển hình, để thâm nhập lĩnh vực sản xuất ô tô, phục vụ tham vọng đưa tên tuổi ra thế giới, năm 2018 VinFast (thuộc Vingroup) đã thâu tóm General Motors Việt Nam, với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng.
Không lâu sau đó, công ty VinTech (công ty con của Vingroup) tiếp tục mua 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ – thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha để rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại.
Đến năm 2020, VinFast tiếp tục mua lại Trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang (Bang Victoria, Australia). Đây là một trong những trung tâm thử nghiệm xe hơi lâu đời và hiện đại của GM Holden. Sở hữu trung tâm này là bước đi tiếp theo trong chiến lược phát triển thương hiệu ôtô toàn cầu của VinFast.
Vào giữa năm 2020, Masan đã chi ra 40 triệu USD để mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của Tập đoàn H.C Starck - HCS (Đức). Masan hướng đến mục tiêu tạo ra lợi thế cạnh tranh toàn cầu, mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỉ USD lên 4,6 tỉ USD.
Trong ngành sữa, với các hoạt động M&A của Vinamilk như: thâu tóm Driftwood - một nhà máy sữa có lịch sử tồn tại cả thế kỷ tại Mỹ với trị giá đầu tư 10 triệu USD; sở hữu Công ty Angkor Dairy Product của Campuchia; Đầu tư nắm giữ 51% cổ phần của Lao- Jargo Development Xiengkhouang Co., Ltd… cũng đã đưa Việt Nam từ một nước không có ngành sữa đến nay đã có thể xuất khẩu sản phẩm sữa đi 50 quốc gia, từng bước thực hiện kỳ vọng vươn tầm ra toàn cầu.
Khi tấm vé xuất ngoại trở nên quý giá
Trong chiến lược vươn ra thế giới, nếu đi đường thẳng doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục… trong khi việc mua lại các pháp nhân sở tại doanh nghiệp được hưởng hệ sinh thái có sẵn. Hơn nữa, các quốc gia đều có những ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp trong nước hơn là nước ngoài. Vì vậy, mục tiêu tìm kiếm thị phần, tăng doanh thu, lợi nhuận và tạo dựng thương hiệu ở thị trường thế giới đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Ông Kevin Yardley, Viện trưởng Viện Công nghệ Ôtô 2 của VinFast nói: "Hiện công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm của VinFast đang có những bước tiến thần tốc. Do đó, việc sở hữu một trung tâm thử nghiệm hiện đại như Lang Lang giúp ích rất nhiều cho hoạt động của chúng tôi".
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ, tiếp tục ưu tiên tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác theo cả ba hướng tích hợp ngang (doanh nghiệp hoạt động trên cùng một thị trường có liên quan chuyển đổi), tích hợp dọc (doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường có liên quan khác nhau) và kết hợp với mục đích mở rộng thị trường và tăng doanh số, đặc biệt là các thị trường trọng điểm mới.
Bởi lẽ, các thương vụ đầu tư ra thị trường nước ngoài đang mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Ví dụ như Vinamilk đã kiếm thêm được 5.000 ha đất để thành lập các trang trại bò sữa hữu cơ ở nước ngoài mà tại Việt Nam rất khó kiếm được, chưa kể vướng rất nhiều thủ tục, bồi thường rất phức tạp…
Hay như việc lựa chọn M&A cũng đánh dấu sự nâng tầm vị thế của Masan, trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao có tên tuổi trên thế giới. Nói một cách khác, Masan đã "cùng mâm" với những ông lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Khoảng 10 năm trước M&A gần như là sân chơi của khối ngoại với các hoạt động mua bán, sáp nhập mà khối nội chủ yếu đóng vai trò bên bị mua, bên kháng cự thì nay đã khác. Cụ thể, năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%; năm 2019-2020 chiếm 30%; từ tháng 7/2019-7/2021, tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia lên đến 49%.
Quan trọng hơn nữa, nếu như trước đây Việt Nam không hề có tiếng tăm gì trên bản đồ sản xuất vật liệu công nghệ cao của thế giới thì với thương vụ của Masan, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới và có thể trở thành địa chỉ cung cấp vật liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất....
Còn đối với ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood không giấu giếm tham vọng lấy Thụy Điển làm bệ phóng để sữa Việt thâm nhập thị trường châu Âu. Bằng chứng là đã “bắt tay” với Tập đoàn Backahill của tỉ phú Erik Paulsson để vận hành nhà máy sữa NutiFood Sweden AB tại Thụy Điển.
M&A sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm 2022
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh. Bằng chứng là họ không còn chờ đợi doanh nghiệp ngoại tìm đến mình, mà chủ động tìm kiếm và nắm bắt cơ hội vươn tầm khu vực và thế giới ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Chia sẻ với VnBusiness, Luật sư Phạm Hữu Tú, Đoàn luật sư Hà Nội nói rằng, các thương vụ mua lại công ty nước ngoài là dấu hiệu tốt của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều công ty tư nhân đã tìm cách thích nghi với điều kiện, quy định, khung pháp lý của các nước trong quá trình mở rộng thị trường. “Làn sóng này sẽ còn được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2022, do họ nhìn thấy các cơ hội nhiều công ty ngoại đang tái cơ cấu toàn diện từ ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Tú nhận định.
Nói với VnBusiness, ông Nguyễn Trung Tín, chuyên gia tư vấn chiến lược, Giám đốc Công ty tư vấn và Quản trị doanh nghiệp LTA, nhận xét, đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức, nhưng với những doanh nghiệp có hệ sinh thái được xây nền móng vững chắc từ trước thì đây lại là cơ hội phát triển, thậm chí là bứt phá.
Tuy nhiên, ông cho rằng, trong quá trình phát triển, về quy mô, khát vọng, mong muốn ở giai đoạn nào đó vượt khả năng và có thể phải tinh gọn để tập trung hơn vào mảng cốt lõi là thế mạnh của mình. Do đó, kể cả với các tập đoàn lớn, không phải chỉ M&A một chiều với tư cách bên mua, mà còn cần phải tham gia cả với tư cách bên bán.
Điều này cũng được chứng minh khi Vingroup bán hai công ty thành viên là VinCommerce và VinEco cho Masan để có nguồn tập trung vào những mảng kinh doanh chiến lược như: ô tô, bất động sản…
Hay như, Hoà Phát "gây sốc" trên thị trường khi bán toàn bộ cổ phần tại công ty nội thất Hoà Phát, để tập trung vào 4 mảng chính gồm gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản. Đáng lưu ý, cùng với thép, đây chính là mảng làm nên tên tuổi của Hoà Phát trên thị trường.
Đánh giá về mức độ thành công của các thương vụ M&A, ông Tín cho rằng, không phải thương vụ nào cũng dẫn đến thành công, bởi hậu giao dịch vẫn còn một hành trình dài khác.
“Về tầm nhìn, chiến lược đường dài thì không thay đổi, nhưng giải pháp, cách quản trị có thể phải điều chỉnh để thích hợp với tình hình, bối cảnh mới”, ông Tín nói.
Thanh Hoa