Theo Vigroup, chuyển giao VinCommerce sang Masan hoàn thành sẽ “tạo ra những giá trị cộng hưởng đáng kể để tạo ra Nhà vô địch về Tiêu dùng và Bán lẻ của Việt Nam trong tương lai”, dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.
Gánh nặng hiện hữu
Trong thư gửi cán bộ công nhân viên được phát đi sáng 3/12, ban lãnh đạo Vingroup cho biết sau khi hoán đổi cổ phần do tỷ lệ sở hữu trong công ty mới không còn đa số, tập đoàn quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành công ty VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và VinEco.
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Nhận xét về cuộc chuyển giao này, theo các chuyên gia thị trường và kinh tế, trên thế giới hiếm có doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng nào, mà cụ thể ở đây là Masan lại “kiêm nhiệm” luôn cả lĩnh vực bán lẻ, bởi đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.
Vì vậy, việc Masan nhận chuyển giao chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ có thể là một lựa chọn mạo hiểm, đặc biệt với tham vọng trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu tầm cỡ khu vực của tập đoàn này.
Hiện, VinMart đang có 115 siêu thị, còn VinMart+ có 2.438 cửa hàng, lớn nhất trong các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Trong khi VinEco là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất, sở hữu 15 nông trường trên cả nước, hơn 800 HTX liên kết, diện tích sản xuất là 3.000ha.
Nếu chỉ tính mỗi cửa hàng VinMart và VinMart+ sử dụng 5 lao động thì việc tiếp nhận hệ thống 2.600 siêu thị và cửa hàng lập tức khiến quy mô lao động của Masan phình lên thêm trên 13.000 người. Nghĩa là số lượng lao động của Masan gần như tăng gấp đôi sau thương vụ sáp nhập này.
Trong khi đó, dù quy mô sản xuất và quy mô sản phẩm của Masan đang tăng dần đều qua từng năm, nhưng việc sáp nhập VinCommerce và VinEco lại đặt ra một yêu cầu có tính bắt buộc đối với tập đoàn này là phải có hệ thống bán lẻ riêng, mà đây lại không phải là thế mạnh truyền thống của Masan. Nói cách khác, việc tiếp nhận này có thể gây ra một áp lực lập tức với tập đoàn, trước khi là cơ hội kinh doanh.
Người tiêu dùng kỳ vọng sau khi Masan tiếp nhận giá bán sản phẩm tại Vinmart có thể thấp hơn |
Lợi ích từ hàng Việt
Rõ ràng, việc nhận sáp nhập 2 đơn vị của Vingroup khiến quy mô của Masan tăng lên gấp đôi nhưng “gánh nặng” cũng tăng lên tương tự, tại sao DN này vẫn “hồ hởi” nhận chuyển nhượng?
Trong thông cáo báo chí của Masan phát đi ngày 3/12 với nội dung liên quan đến thương vụ này có những đánh giá về đối tác: “Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt”.
Masan cũng không quên nhấn mạnh tới mục tiêu “dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng cái “bắt tay” lịch sử trong những ngày cuối năm 2019 giữa Vinmart và Masan là một “phép cộng” đẹp giữa các DN Việt với nhau.
Đáng chú ý, sự kết hợp này diễn ra trong bối cảnh các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang là “cuộc chiến” giữa DN nội và ngoại với ưu thế đang thuộc về khối ngoại.
Nhiều năm gần đây, khẩu hiệu “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” luôn được người tiêu dùng trong nước nêu cao nhưng lại đang thiếu hẳn những tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là thiếu hẳn những thương hiệu tin cậy cụ thể.
Trong khi đó, cam kết chất lượng và chỉ sử dụng nhãn hàng tin cậy (chứ không phải giá bán) là lý do chủ chốt khiến VinMart và VinMart+ giành được lợi thế kinh doanh so với chợ, cửa hàng truyền thống.
Sau khi tiếp nhận lại, chắc chắn Masan sẽ tiếp tục duy trì triết lý này và với hệ thống sản phẩm hàng tiêu dùng “hùng hậu” hiện nay của Masan, có thể biến mục tiêu “người Việt dùng hàng Việt” không chỉ còn là khẩu hiệu.
Theo một khách hàng quen thuộc của hệ thống Vinmart, sự chuyển giao này không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn mang đến lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chị mong muốn giá hàng hóa tại các siêu thị do Masan tiếp quản thời gian tới sẽ giảm xuống. Hiện nay, giá các loại hàng hóa tại Vinmart luôn cao hơn giá hàng bán bên ngoài.
Khảo sát tại hệ thống siêu thị Vinmart và các cửa hàng Vinmart+ sau 2 ngày công bố thông tin sáp nhập, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ sự thay đổi nào.
Vân Linh