Tại TP. Cần Thơ và các các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang.., giá phân bón trong tháng 2 vừa qua được ghi nhận tăng mạnh khiến cho người nông dân vô cùng lo lắng.
Thêm gánh nặng lên vai nông dân
Đơn cử như phân đạm (Urê) có mức giá khoảng 400.000-440.000 đồng/bao. Trong khi hồi tháng 11 năm ngoái, giá các loại Urê sản xuất trong nước và nhiều loại nhập khẩu chỉ ở mức 320.000-360.000 đồng/bao.
Giá phân bón tăng cao đang là gánh nặng đối với nông dân |
Thông tin mới nhất cho thấy, giá phân Urê đang có mức cao nhất trong vài năm trở lại đây, khi đến tay nông dân lên đến trên 10.000 đồng/kg.
Hoặc như phân bón DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) đang ở mức 710.000-720.000 đồng/bao (giá trước đó chỉ 590.000-600.000 đồng/bao).
Ông Nguyễn Thanh Tâm, một nông dân trồng rau quả ở Cần Thơ, tỏ ra lo lắng vì giá phân bón đang tăng quá sốc gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động canh tác của mình trong thời gian tới.
“Rõ ràng là giá phân bón tăng quá bất thường. Chi phí phân bón không ngừng tăng lên đang ăn mòn vào công sức của nông dân. Chúng tôi vốn đã khốn khó vì đầu ra rau quả gặp khó, rớt giá, giờ giá phân bón bị đẩy lên cao thì càng thêm điêu đứng”, ông Tâm chia sẻ.
Cũng theo ông Tâm, giá phân bón tăng mạnh như vậy là đe dọa trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Vì vậy, Nhà nước cần kiểm soát đầu vào trong việc sản xuất phân bón, điều chỉnh chính sách nhập khẩu phù hợp với tình hình thị trường, không để nông dân luôn canh cánh âu lo.
Nhiều dự báo cho thấy trong năm 2021, dự kiến tổng nhu cầu phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục 4 - 6% so với năm 2020, trong đó chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK, Urê và các chủng loại khác như phân lân, phân bón hữu cơ…
Trên thị trường phân bón thế giới, báo cáo cập nhật ngành phân bón năm 2021 của Công ty chứng khoán FPTS từng dự báo nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh kéo giá phân bón tăng.
Theo đó, giá phân Urê dự kiến tăng khoảng 3,0% khi nhu cầu phân Urê phục hồi từ các khu vực bị ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh như châu Âu và Bắc Mỹ.
Còn giá phân DAP dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay. Trong khi đó, giá phân Kali được dự báo tăng cao hơn ở mức khoảng 3,6% khi nhu cầu phục hồi tại các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Hồi năm 2020, lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam tăng mạnh ở hầu hết các thị trường chính như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Israel, Canada, Hàn Quốc,...
Có giảm được không?
Trong đó, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp phân bón lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị phần nhập khẩu vào Việt Nam. Các loại phân bón nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã ghi nhận đều tăng, điển hình như phân bón lá tăng đến 194,5%, phân DAP tăng 23,5%.
Cần lưu ý là năm 2020, thị trường phân bón Việt Nam chứng kiến sự biến động mạnh về giá các loại phân bón, đặc biệt là phân đơn như Urê, DAP, Kali, nhất là vào những tháng cuối năm.
Giá phân DAP được ghi nhận tăng trở lại trong nửa cuối ngoái khi giá phân nhập khẩu tăng nhanh (nhất là phân DAP Trung Quốc nhập khẩu tăng mạnh trong các tháng gần đây).
Theo giới chuyên gia, giá phân bón tăng do ảnh hưởng từ giá phân bón nhập khẩu tăng và nhiều loại nguyên liệu cũng như chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước tăng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón đang có phần gặp khó so với trước cũng tạo điều kiện cho giá nhích lên, nhất là đối với phân DAP.
Còn theo dự báo của các nhà phân tích từ FPTS, diện tích canh tác nông nghiệp ở trong nước kỳ vọng gia tăng, thúc đẩy nhu cầu chăm bón cho cây trồng. Nhu cầu phân bón niên vụ 2020/2021 cũng được kỳ vọng cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đó là khi giá nông sản ở mức cao, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy canh tác và nhu cầu chăm bón cho cây trồng. Còn nếu tình trạng rớt giá vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều mặt hàng nông sản trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh, liệu nhu cầu chăm bón cho cây trồng có tăng hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Như chia sẻ của ông Võ Quang Trung, một nông dân trồng cà phê ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, khi cà phê rớt giá thê thảm vì ảnh hưởng dịch COVID-19, khoản tiền bán cà phê có được không thể đủ để vừa mua phân bón, vừa đáp ứng chi tiêu cho gia đình.
“Do đó, tôi phải giảm lượng phân bón cho cà phê xuống còn một nửa so với trước đây”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng lưu ý là phân bón từ nhà máy bán lẻ đến tay nông dân thường qua quá nhiều khâu trung gian cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên. Bên cạnh đó, một điều bất hợp lý của thị trường phân bón là chỉ cần vào vụ sản xuất, nhu cầu tiêu thụ tăng là giá phân bón bị đẩy lên cao. Cho nên, Nhà nước cần giúp nông dân kiểm soát tốt chuyện này, chứ đừng để giá phân bón làm khó ngành nông sản.
Thế Vinh