Lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè (Ảnh minh họa: Int) |
“Du lịch hè vốn được kỳ vọng là cú hích cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm ròng rã chiến đấu với Covid-19. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này đang tước đi cơ hội đó. Các doanh nghiệp vừa phải căng mình giải quyết các trường hợp hủy, hoãn tour cho khách, vừa phải thay đổi sản phẩm, vạch ra chiến lược mới cho nửa sau của năm 2021”, chị Đào Bích Hồng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Skysea chia sẻ.
Doanh nghiệp loay hoay vượt khó
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến khiến công ty du lịch của chị Hồng lao đao vì các tour trong nước và quốc tế buộc phải dừng. Doanh nghiệp không còn đủ tiềm lực tài chính cầm cự trả lương, bảo hiểm và thuế, phí… “Ngay như tháng 6 này, đang mùa cao điểm du lịch nhưng do khách đồng loạt hủy tour, nên chúng tôi chủ yếu tập trung giải quyết thủ tục bảo vệ quyền lợi cho khách”, chị Hồng cho hay.
Để cầm cự, chị Hồng thu nhỏ quy mô công ty và giảm 50% nhân viên, đồng thời chuyển hướng sang bán mỹ phẩm, quần áo online...
Nhờ những mối quan hệ thân thiết từ ngành du lịch, chị Hồng được nhiều khách hàng ủng hộ nên cũng duy trì được 70% tiền lương cho nhân viên và đóng bảo hiểm hàng tháng.
Chị Hồng cho biết, dù công việc bán hàng online đang ngày càng phát triển, chị cũng sẽ không từ bỏ công ty lữ hành, vì dường như "nghề du lịch đã ăn vào máu". Tới giờ, 50% nhân sự của công ty vẫn còn làm việc, trong tâm thế sẵn sàng phục vụ khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân (Thái Nguyên) thông tin: "Chúng tôi có một trang trại rất lớn, nên đã tập trung nhân lực để đưa ra những nông sản phục vụ thị trường nhằm đảm bảo cho người lao động có thu nhập. Vì vậy, hầu hết nhân viên của công ty không bị cắt giảm giờ làm và lương".
Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp du lịch, họ không dám “ngủ đông”, mà vẫn phải xoay xở để duy trì hoạt động công ty, trả lương cho nhân viên, bởi hy vọng khi hết dịch, doanh nghiệp vẫn còn đủ nguồn nhân lực để hoạt động trở lại.
Cần cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp du lịch
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19. Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021 thì dịch bệnh lại bùng phát.
Hiện tại, dịch bệnh trở lại lần thứ 4 khiến hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè.
Số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã, đang gây ra tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống…; kèm theo đó là nguy cơ gây ra nợ xấu, nợ quá hạn vốn tín dụng ngân hàng, sụt giảm doanh số thanh toán qua ngân hàng, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, người lao động bị mất việc làm kéo dài. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành không có nguồn tiền để trả lương nhân viên.
Giám đốc một doanh nghiệp du lịch cho biết, gánh nặng hiện nay là dù không có doanh thu nhưng công ty phải vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, lương, bảo hiểm… Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch vay ưu đãi để phục hồi hoạt động kinh doanh. "Các chính sách hỗ trợ dòng tiền lúc này cần nhanh chóng hơn trước khi doanh nghiệp thực sự "chết hẳn", vị này nói.
Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, để các doanh nghiệp thực sự vượt qua được khó khăn, cơ quan chức năng cần sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho doanh nghiệp lĩnh vực du lịch.
Hoàng Hà