Đây là thông tin được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN&PTNT diễn ra chiều ngày 28/6.
Dự kiến tháng 9/2022, thị trường Nhật mở cửa nhập quả nhãn tươi Việt Nam. |
Theo ông Trung, tháng 6 vừa qua, chuyên gia Nhật Bản đã kết thúc phần kiểm soát kỹ thuật, hiện hai bên thống nhất điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu, nếu không có gì thay đổi trong tháng 7 tới - phía Nhật Bản sẽ hoàn thiện dự thảo nhập khẩu, sau đó hoàn thiện thủ tục nội bộ và chính thức công bố mở cửa nhập khẩu quả nhãn Việt Nam.
Không chỉ quả nhãn tươi, Cục Bảo vệ thực vật đang tiến hành đàm phán để xuất khẩu nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính trên thế giới. Đơn cử, với thị trường Mỹ, hiện đã hoàn tất khâu kỹ thuật để nhập khẩu quả bưởi. Tháng 7 tới, đoàn chuyên gia của Mỹ sẽ vào Việt Nam để kiểm tra liều lượng chiếu xạ với quả bưởi, sau đó chính thức công bố xuất khẩu quả bưởi sang Mỹ.
Hay với quả dừa tươi, Cục Bảo vệ thực vật đang kiến nghị cơ quan Mỹ tiến hành đàm phán theo phương thức rút gọn bởi trước đây quả dừa đã xuất khẩu sang thị trường này từ nhiều năm.
Với thị trường Trung Quốc, ông Trung thông tin quả sầu riêng đã chính thức được phía Trung Quốc hoàn thiện dự thảo nghị định thư cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng, sau đó hai bên sẽ họp trực tuyến để thống nhất ngày giờ, phương thức công bố Nghị định thư này.
Liên quan tới quả chanh leo, Cục Bảo vệ thực vật đang đề xuất phía Trung Quốc áp dụng phương thức nhập khẩu tạm thời thí điểm giống quả ớt tươi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2021, xuất khẩu trái cây đạt hơn 3 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 1,9 tỷ USD. Vì vậy, việc đàm phán để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc rất quan trọng.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT yêu cầu đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa…), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu)…
Thy Lê