Hiện nay, Việt Nam đang bước vào cao điểm của vụ thu hoạch nhãn năm 2021. Thống kê tại "thủ phủ" trồng nhãn ở Hưng Yên, năm nay, tổng diện tích trồng nhãn lên đến 4.800ha, sản lượng ước đạt từ 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%, trong đó 60% được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kém cạnh tranh so với nhãn Thái Lan
Ở "thủ phủ" trồng nhãn Sơn La, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết địa phương hiện có trên 19.000ha nhãn, sản lượng dự kiến năm 2021 đạt 112.000 tấn. Trong đó, có 2.246ha được Bộ NN&PTNT cấp mã vùng trồng, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 22.000 tấn để phục vụ xuất khẩu.
Thời gian bảo quản ngắn, giá thành cao là nguyên nhân khiến nhãn Việt Nam chưa thể cạnh tranh với nhãn Thái Lan ở thị trường EU. |
Sản phẩm nhãn của Sơn La đã được doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đã sản xuất theo quy trình an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nhãn của Sơn La trong những năm vừa qua ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng đã xuất khẩu được sang một số thị trường như: Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc…
Ngoài quả nhãn tươi, tỉnh Sơn La còn có sản phẩm long nhãn với số lượng khoảng 6.000 tấn/năm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La kỳ vọng: Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tìm hiểu kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh để tiêu thụ và xuất khẩu nhãn và sản phẩm từ nhãn trong niên vụ 2021.
Trong bối cảnh khó khăn vì dịch COVID-19, tín hiệu từ những lô nhãn tươi của Việt Nam được xuất khẩu tới EU đã cho thấy tiềm năng lớn từ mặt hàng này. Theo đó, trong các ngày 17-18/7, 3 tấn nhãn đầu tiên của Việt Nam lên đường xuất khẩu sang thị trường EU.
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (Tân Hưng, TP.Hưng Yên), chia sẻ các thành viên trong HTX rất mừng khi sản phẩm nhãn được xuất khẩu sang EU, từ đó nâng giá trị của sản phẩm khi nhãn quê hương Hưng Yên vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc của bà con ngày càng tốt lên.
Tuy vậy, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu băn khoăn nhất hiện nay là làm thế nào để quảng bá, bảo quản tốt quả nhãn Việt Nam tại thị trường EU.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, EU kiêm nhiệm Luxembourg, chia sẻ người tiêu dùng châu Âu hiện vẫn đang dè dặt trong việc sử dụng các sản phẩm nhập ngoại, quả nhãn vẫn chưa thể "phổ cập" như quả vải thiều. Do vậy, việc quảng bá quả nhãn Việt Nam tới đông đảo người dùng châu Âu là vấn đề cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới.
Hơn nữa, ông Quân cũng so sánh giữa quả nhãn Việt Nam và Thái Lan. Cụ thể, nhãn của Thái Lan đã được phân phối rộng rãi trong nhiều siêu thị Á châu, sản lượng cung cấp lớn, thời gian bảo quản lên tới 3 tháng, giá bán thấp. Trong khi đó, nhãn Việt Nam mới chỉ được phân phối ở siêu thị do người Việt quản lý, thời gian bảo quản ngắn, giá bán cao.
"Nhãn Việt Nam vào EU tỷ lệ dập, hư hỏng rất lớn. Nguyên nhân là do DN đóng hộp nhưng không sấy khô nên quả bị dập, thối phải bỏ đi nhiều. Chưa kể, do vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không nên giá thành cao hơn nhiều so với nhãn Thái Lan", ông Quân cho biết.
Theo đó, vị Tham tán thương mại Việt Nam nhấn mạnh tới tính đều đặn và cung ứng của trái nhãn cũng như nông sản Việt Nam nói chung. Muốn làm ăn lâu dài, đẩy mạnh phát triển tại thị trường EU thì các lô hàng nhãn của Việt Nam phải đảm bảo chất lượng đồng đều, chứ không thể lô trước thì tốt nhưng những lô sau lại kém.
Chưa tìm ra phương pháp bảo quản phù hợp
Dưới góc nhìn của một nhà nhập khẩu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty XNK LTP Import Export B.V (Hà Lan), chia sẻ đơn vị này cũng đang "đau đầu" câu chuyện làm sao để giúp quả nhãn có thể bảo quản được lâu hơn, cạnh tranh tốt với hàng Thái Lan.
Ông Hiển nói: "DN nhập khẩu hy vọng có thể nhập được nhiều lô nhãn Việt Nam bằng đường biển với số lượng lớn để có thể phân phối tới nhiều thị trường tại EU. Đồng thời, chất lượng phải đạt chuẩn GlobalGAP, có mã số vùng trồng.
Mặt khác, về vấn đề bảo quản, vị đại diện DN trên cho rằng Việt Nam có thể học tập, tham khảo kinh nghiệm bảo quản từ Thái Lan để giúp giải quyết câu chuyện này.
Theo bà Phan Thu Thủy, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Cổ Phần Nafoods Tây Bắc, thời gian qua, DN này đã kết nối tiêu thụ nhãn với Hưng Yên, Sơn La. Chất lượng nhãn đạt tiêu chuẩn quốc tế, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Song DN vẫn đang loay hoay trong phương pháp làm thế nào để bảo quản quả nhãn được tươi lâu. Làm được điều này mới tăng tính cạnh tranh cho trái nhãn Việt Nam.
"DN đang rất nỗ lực tìm kiếm thị trường nhưng thấy nhiều lúc đơn độc trong việc nỗ lực tìm kiếm cách thức bảo quản. DN mong muốn được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhà khoa học Việt Nam trong việc tìm ra phương pháp, công nghệ bảo quản quả nhãn được tươi lâu hơn, mà vẫn đảm bảo hương vị", bà Thủy nói.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam đang vào vụ nhãn - một loại trái cây đặc sản nhiệt đới được trồng phổ biến ở một số địa phương trên cả nước, thậm chí có những vùng chuyên canh rất lớn lên tới hàng chục ngàn ha. Có đến cả chục giống nhãn khác nhau, như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương Chi, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Miền Thiết, nhãn Sông Mã, nhãn tiêu da bò miền Tây... Ngoài những loại nhãn trên, Việt Nam còn có một số loại nhãn được xếp vào hàng hiếm, như nhãn đường phèn, nhãn bắp cải, nhãn tím.
Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, nhãn Việt Nam đã được một số thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông...
“Điều này đồng nghĩa với việc quả nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác”, Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng hiện nay, lượng nhãn Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài còn khiêm tốn so với tiềm năng và cần nhiều giải pháp thực tiễn để phát triển.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |