Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại tháng 5/2023 mới đây, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết thị trường này có trên 331 triệu dân với sức tiêu thụ lớn là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm trong đó có trái cây và rau tươi.
Quả vải thiều Việt Nam vẫn rất khó mở rộng thị phần ở thị trường Hoa Kỳ. |
Năm 2022, Mỹ nhập khẩu rau quả đạt mức kỷ lục trên 31 tỷ USD, trong đó có 19,3 tỷ USD trái cây tươi và đông lạnh (tương đương 23,5 triệu tấn) tăng 10% so với năm 2021, chủ yếu từ Canada, Mexico và một số nước Trung, Nam Mỹ. Một số loại trái cây tươi hàng đầu nhập khẩu vào Mỹ gồm: bơ, chuối, nho, chanh.
Đối với trái vải thiều, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Mỹ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan; trong đó vải Lục Ngạn, Bắc Giang luôn được người tiêu dùng Mỹ đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Có thể thấy, thị trường Mỹ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của nước Mỹ.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết việc tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại.
Cụ thể, khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi đó các loại trái cây dễ hỏng, hao hụt trong quá trình vận chuyển. Vận chuyển bằng hàng không thì giá cước quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.
"Năm 2021 dù đã có đường bay thẳng tới Mỹ và bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Giang và hãng hàng không về chính sách ưu đãi giá cước, nhưng thực tế chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết.
Cùng với đó, do chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Mỹ đặt tại miền Bắc. Để xuất khẩu đi Mỹ phải vận chuyển trái cây vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển và hao hụt về số lượng, chất lượng của vải xuất khẩu.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp.
Tuy nhiên, một tin vui được Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sau chuyến thăm Việt Nam mới đây của Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack cùng các cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, hội đàm song phương với Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Công Thương, phía Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện tinh thần hợp tác cao độ và sẵn sàng triển khai kế hoạch phê duyệt Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này cần có sự cam kết mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan trong nước.
Trên thực tế, Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đưa ra lộ trình và mốc thời gian cụ thể cho các bên tham gia cũng như đã ưu tiên điều chỉnh lùi mốc thời gian phù hợp với phía Việt Nam, nếu được triển khai kịp thời sẽ giúp tăng lợi thế cạnh tranh đối với trái vải của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Đặc biệt, trong tiến trình đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Thương vụ tại Hoa Kỳ kiến nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái vải và sản phẩm từ vải Bắc Giang như: Xây dựng câu chuyện về trái vải, hình ảnh, biểu trưng, mẫu mã sản phẩm vải Bắc Giang, Việt Nam; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, khai thác tối đa các kênh thông tin truyền thống và hiện đại như các mạng xã hội; đưa hình ảnh đồi vải chín mọng của Bắc Giang vào phim ảnh, tác phẩm nghệ thuật, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người Châu Á; tổ chức Roadshow vải Bắc Giang nhân các hội chợ triển lãm thực phẩm,…
Đồng thời, triển khai hiệu quả bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Giang và hãng hàng không Việt Nam về chính sách ưu đãi giá đối với đường bay thẳng tới Mỹ để giảm cước chi phí vận chuyển.
Thy Lê