Tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 tổ chức tại Sóc Trăng sáng 3/3, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2022 xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021, nhờ đơn hàng gối từ năm 2021 do dịch COVID-19 bị đình lại, giá tôm tăng.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn. |
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 106 thị trường, so với 103 thị trường của năm 2021. Xuất khẩu tôm sang 9 thị trường chính chiếm 97,2% tổng giá trị xuất khẩu.
Chỉ ra những thách thức trong năm 2023, VASEP cho biết, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn - hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (700.000 tấn).
"Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn", VASEP nêu.
Với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý.
Vì vậy, VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn, chỉ có thể dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý II/2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022.
Đơn cử, tại thị trường Mỹ, lạm phát cao, nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho của năm 2022. Quý II/2023, các nhà nhập khẩu xác định được nhu cầu thị trường, mới bắt đầu có kế hoạch đặt hàng cho cả năm.
Ở thị trường châu Âu, nền kinh tế tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023….
Trong khi đó, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), chỉ ra giá thành sản xuất tôm Việt Nam vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thủy sản tăng cao.
Các quốc gia có thế mạnh phát triển nuôi tôm như (Indonesia, Ecuador, Trung Quốc, ...) đều đặt mục tiêu tăng sản lượng nuôi, vì vậy theo dự báo năm 2023, người nuôi tôm Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh mạnh mẽ với nguồn cung tăng của các nước.
Năm 2023, theo dự báo ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xung đột giữa Nga và Ukraine, giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao, đặc biệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 là nguyên nhân gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.
Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị các Hội, Hiệp hội đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
"Đề nghị các địa phương tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu", Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.
Thy Lê