Bộ Công Thương ước tính, tháng 12/2020, cả nước xuất khẩu được khoảng 330 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 118 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với tháng 11/2020; so với tháng 12/2019 tăng 2,6% về lượng và tăng 5,4% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 2,7% so với tháng 12/2019, lên mức 358 USD/tấn.
Dự báo tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. |
Năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,76 triệu tấn, trị giá 989 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2020, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,85 triệu tấn, trị giá 741,01 triệu USD, giảm 0,9% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Malaysia, Philippine.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 93,89% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,74 triệu tấn, trị giá 692,98 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu sắn lát khô đạt 543,95 nghìn tấn, trị giá 126,21 triệu USD, tăng 94,8% về lượng và tăng 87,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia. Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 82, 44% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 448,42 nghìn tấn, trị giá 99,26 triệu USD, tăng 147,5% về lượng và tăng 150% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Công Thương cho biết, hiện giá ngô Trung Quốc tăng tại một số tỉnh và cảng do điều kiện thời tiết xấu đã ảnh hưởng tới tiến độ sấy ngô vụ mới và cản trở việc vận chuyển ngô khiến nguồn cung khan hiếm.
Bên cạnh đó, tiêu thụ cồn tại Trung Quốc trong dịp Lễ Tết tăng cao sẽ thúc đẩy xuất khẩu sắn lát tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt do được hậu thuẫn bởi yếu tố cầu tăng cao và nguồn cung hạn hẹp.
Lê Thúy