Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 18 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng may mặc đạt 14 tỷ USD, tăng 8,7%; mặt hàng vải đạt hơn 1 tỷ USD, tăng mạnh tới 30%.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành dệt may phải tăng trưởng 11 – 12% thì mới có thể đạt được mục tiêu XK 40 tỷ USD trong năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay tình hình đơn hàng của các DN dệt may hiện không được khả quan, việc khan hiếm đơn hàng khá phổ biến.
“Năm nay những tưởng sẽ là một năm gặp nhiều thuận lợi nhưng thực ra lại là một năm khó khăn khi nhiều DN khan hiếm đơn hàng. Ngay cả những DN lớn như May 10 cũng gặp tình trạng tương tự. Có DN chỉ lo được đơn hàng đến hết quý III”, ông Cẩm chia sẻ.
Hiện nay, lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp diễn. Trong số các mặt hàng Mỹ áp thuế lên Trung Quốc có cả hàng dệt may và xơ sợi, vì vậy XK mặt hàng sợi của Việt Nam sang Trung Quốc (chiếm 60% tổng lượng sợi XK) gặp khó. Tính chung 6 tháng đầu năm, XK xơ sợi chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cho biết đầu ra của các DN dệt may hiện nay chưa ổn định, chưa có nhiều đơn hàng tốt với giá cao, tình trạng “khát” đơn hàng đã diễn ra với một số DN.
“Hơn nữa, cạnh tranh giữa các DN trong ngành dệt may đang rất gay gắt, cụ thể là giữa DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN Việt Nam trong cuộc đua giành đơn hàng và lao động – nói nôm na là cuộc chiến ngầm giữa các DN với nhau”, ông Hồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, DN Việt Nam nói chung cũng đang phải cạnh tranh với các cường quốc XK hàng dệt may khác như Bangladesh, Ấn Độ… Đặc biệt, DN Việt đang chịu chi phí kinh doanh khá cao, sức ép chi trả lương, bảo hiểm xã hội hay đồng tiền Việt Nam quá ổn định cũng là một bất lợi.
DN Việt Nam và FDI cạnh tranh khốc liệt để giành đơn hàng |
Chưa tận dụng hiệu quả FTA
Về nguyên nhân, ông Trương Văn Cẩm cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dù được ký kết nhưng vẫn chưa có hiệu lực, do vậy các DN dệt may Việt Nam XK sang các nước EU vẫn phải cạnh tranh với các nước khác vì thuế suất XK vào các thị trường này vẫn chịu đến 9,6%.
Để đạt được mục tiêu XK, ông Cẩm cho rằng các DN phải cố gắng nhiều, trong đó cần nhất là tìm kiếm đơn hàng đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm, đồng thời các DN trong ngành cần phối hợp chia sẻ hỗ trợ cùng phát triển.
Ông Hồng đánh giá kết quả tận dụng cơ hội từ EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên thực tế chưa như kỳ vọng. Hiện nay, một số DN đã phát triển thêm khách hàng từ một số nước CPTPP như Canada, Australia nhưng chưa nhiều. Một phần là do hai nước chưa phải là thị trường lớn, một phần sản phẩm may mặc Việt Nam không đáp ứng được quy tắc về nguồn gốc xuất xứ.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, đại diện CTCP May Chiến Thắng, bất lợi của DN hiện nay là phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Trung Quốc không tham gia các FTA lớn như CPTPP, EVFTA, có nghĩa Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi về thuế quan.
Hơn nữa, muốn phát triển bền vững, ngành dệt may không thể chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, theo đó cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Năm 2018, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chỉ chiếm khoảng 20%, 70% thiết bị là công nghệ trung bình, 10% công nghệ thấp. Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu DN Việt Nam không quan tâm tới cách mạng công nghiệp 4.0, có những kế hoạch áp dụng công nghệ số và tự động hóa trong sản xuất kinh doanh, khả năng lớn sẽ bị loại khỏi thị trường.
Đặc biệt, thời gian qua, hàng dệt may Việt Nam chủ yếu gia công XK (chiếm hơn 60%), tỷ trọng hàng mua đứt bán đoạn hoặc OBM (sản xuất sản phẩm thương hiệu gốc), ODM (hàng thiết kế, sản xuất theo đặt hàng của khách hàng) còn khá thấp. Hàng OBM chỉ chiếm khoảng 1-2%, tức là hàng thương hiệu Việt, mẫu mã Việt, sản xuất rồi đưa vào hệ thống phân phối.
Thy Lê