Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết dù thị trường toàn cầu không ít khó khăn nhưng xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm nay sẽ vẫn có đà phát triển tốt để đạt mục tiêu 40 tỷ USD.
Linh động chuyển dịch
“Sau những diễn biến bất thường của thị trường thương mại thế giới, chúng ta đã có những chiến lược chuyển dịch một số thị trường. Đơn cử như ngành sợi đã chuyển dịch sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và một số sản phẩm xuất ngược lại thị trường Đài Loan”, ông Giang chia sẻ.
Ngành sợi Việt Nam năm nay dù gặp khó khăn ở một số thị trường nhưng vẫn giữ được tỷ trọng và đà tăng trưởng, với dự kiến XK khoảng 30 tỷ USD. Việc linh động chuyển dịch thị trường đã giúp lĩnh vực này trụ vững khi XK sang Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề sự kiện Cotton Day 2019 (quy tụ các nhà cung cấp bông Mỹ dùng làm nguyên phụ liệu dệt may) diễn ra ở Tp.HCM cuối tuần qua, ông Giang cho rằng mục tiêu XK dệt may trong năm có cả tác động từ một số FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chẳng hạn như với CPTPP, trước đây, các quốc gia như New Zealand, Australia, Canada ít khi nhập khẩu (NK) hàng dệt may Việt Nam vì họ chưa có lợi ích trong vấn đề giảm thuế quan. Tuy nhiên, trong năm nay, khi CPTPP có hiệu lực, những thị trường này đã NK mặt hàng dệt may Việt tương đối lớn.
“Hoặc như EVFTA đã tác động đến tầm nhìn và giải pháp chiến lược dài hạn cho các nhà đầu tư của ngành công nghiệp dệt nhuộm đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt. Đây là yếu tố tích cực trong tầm nhìn dài hạn cho XK dệt may”, ông Giang phân tích.
Số liệu đưa ra từ lãnh đạo VITAS cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK dệt may đã đạt hơn 19 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so cùng kỳ năm trước. Thị trường XK chủ lực là Mỹ năm 2019 dự kiến sẽ vẫn chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch XK dệt may.
Riêng vấn đề NK nguyên phụ liệu dệt may, chẳng hạn như NK bông nguyên liệu, theo dự kiến NK nguồn bông từ Mỹ sẽ vào khoảng 1 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam cũng là quốc gia NK hàng đầu thế giới đối với nguồn bông Mỹ.
Có thể thấy Việt Nam là nước XK mặt hàng may mặc vào Mỹ với tỷ trọng rất lớn, nhưng cũng là nước NK lớn của Mỹ đối với bông nguyên liệu. Tuy vậy, điều đó giúp cân đối cán cân thương mại, tạo ra sự phát triển bền vững và không gây áp lực cho bên nào.
Theo Hiệp hội Bông Mỹ (CCI), Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của bông nước này với thị phần NK luôn đạt trên 50%, giá trị NK đạt trên 1,1 tỷ USD năm 2018.
Nhiều dự báo cho thấy nguồn nguyên phụ liệu dệt may NK từ Trung Quốc sẽ còn được tiếp tục kéo giảm trong thời gian tới và các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt cũng đang dần chuyển dịch NK nguyên liệu sang những quốc gia mà họ cảm thấy an toàn hơn, như trường hợp gia tăng NK nguồn bông Mỹ.
XK dệt may có thể đạt mục tiêu 40 tỷ USD trong năm nay |
Thăm dò thị trường
Giới chuyên gia nhận định căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tính đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt, nhất là với ngành sợi.
Đơn cử như XK sợi của Việt Nam vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đã bị sụt giảm đến 80% về sản lượng so với năm trước. Có ba yếu tố dẫn đến chuyện sụt giảm này.
Thứ nhất là khi Chính phủ Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và khi Mỹ áp thuế 25% vào sản phẩm dệt may của Trung Quốc. Các nhà thu mua của Trung Quốc đòi hỏi các nhà cung cấp ở Việt Nam phải giảm giá, nhưng các DN ở trong nước không thể giảm giá theo yêu cầu, phải chấp nhận thu hẹp thị trường này.
Thứ hai là thương chiến đã làm ảnh hưởng đến các ngành sợi, dệt của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc tồn kho rất lớn về vải, hàng loạt nhà máy dệt may phải đóng cửa. Điều này khiến sản phẩm của ngành kéo sợi Việt Nam XK vào Trung Quốc bị giảm đi.
Thứ ba là tâm lý dây chuyền. Sức mua của các nước NK lớn trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm nay giảm sút 4 – 5%, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may Việt.
Theo lưu ý của ông Vũ Đức Giang, khi sức mua toàn cầu giảm đi thì các nhà thu mua tính toán đến giá thành sẽ tiếp tục giảm nữa để họ có thể bán được vào những thị trường mà sức mua giảm.
Trong khi đó, dệt may Việt Nam hiện đang dần bước vào thị trường trung và cao cấp, không còn sản xuất những mặt hàng giá trị thấp. Vì vậy các nhà thu mua có thể sẽ chuyển sang những thị trường cung cấp sản phẩm dệt may có giá thấp hơn như Bangladesh, Sri Lanka, Myanamar. Lương tối thiểu bình quân tại các nước này chỉ khoảng 150 USD/người, thấp hơn một nửa so với mức lương trong ngành dệt may Việt Nam.
Điều đó đã tác động đến đơn hàng mà chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam không nhiều so với kỳ vọng. Và chính cuộc chiến thương mại đã tác động đến giai đoạn đầu tâm lý của các nhà sản xuất, nhà NK và nhà XK. Khi có sự liên đới nhau thì họ sẽ chờ đợi và thăm dò thị trường.
Thế Vinh