Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm “Xu hướng Đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số cho ngành Truyền thông Quảng cáo Việt Nam”.
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại toạ đàm. |
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng Quốc gia (NIC), trong 2 năm qua, ngành truyền thông quảng cáo bị ảnh hưởng nhất từ đại dịch COVID-19 nhưng cũng là ngành được lợi nhất từ đối sáng tạo. Ngành quảng cáo được gọi là “lúa màu” của tất cả những gì liên quan tới chuyển đổi số, sáng tạo. Không có ngành nào tiếp cận với chuyển đổi số nhanh bằng quảng cáo. Quảng cáo tivi, qua mạng xã hội, biển hiệu… đều gắn với công nghệ.
“Ngày xưa, chúng ta có triết lý quảng cáo thà nhầm còn hơn bỏ sót, nhắn tin được càng nhiều càng tốt, ngày nay nếu không nhắm tới khách hàng mục tiêu thì có khi sẽ bị tẩy chay ngay, nên cần ứng dụng công nghệ để quảng cáo đúng khách hàng mục tiêu”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, so sánh ngành quảng cáo Việt Nam với Mỹ - thị trường quảng cáo lớn nhất thế giới, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, đánh giá thị trường quảng cáo Việt Nam còn rất nhỏ bé so với thế giới.
Dẫn nguồn từ khảo sát Statista - nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu cho thấy doanh thu năm 2022 của thế giới là hơn 910,1 tỷ USD, riêng Mỹ - quốc gia có doanh thu quảng cáo nhiều nhất chiếm 365,6 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam là 2,192 tỷ USD.
Với doanh thu như trên, thị trường quảng cáo của Việt Nam vẫn còn nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường đang dẫn đầu là Mỹ (ít hơn gần 167 lần). Xét trong khu vực, Việt Nam xếp thứ 5 về doanh thu, thua các nước Indonesia (5,56 tỷ USD), Thái Lan (4,3 tỷ USD), Singapore (2,57 tỷ USD) và Philippines (2,55 tỷ USD).
Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19, ông Sơn cho biết quảng cáo dù có dấu hiệu hồi phục lại vào năm 2021, nhưng cuộc chiến Ukraine và Nga đã và đang đẩy kinh tế thế giới vào nguy cơ khủng hoảng, các nhãn hàng trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu quảng cáo.
Dự báo 2023, ngân sách quảng cáo toàn cầu tiếp tục giảm trên hầu hết các phương tiện truyền thông trừ quảng cáo số và quảng cáo ngoài nhà. Dự báo quảng cáo toàn cầu 2023 ở mức 728.958 triệu USD.
Đáng chú ý, ông Sơn cũng dẫn số liệu dự báo vào cuối năm 2023, quảng cáo trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội tăng gấp 3 lần so với 2019 và chiếm khoảng 60% ngân sách quảng cáo online.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trong lúc ngành quảng cáo thế giới hồi phục vào năm 2021 thì quảng cáo Việt Nam tuột dốc đối với các phương tiện truyền thông và hồi phục chậm trong năm 2022. Kantar Media Việt Nam bắt đầu ghi nhận quảng cáo trên nền tảng số từ đầu tháng 3/2022 trên Facebook, Youtube và Tiktok, ước tính quảng cáo trên các nền tảng này trong năm 2022 là 2,5 tỷ USD, khoảng 58,887 tỷ VND cao hơn nhiều so với quảng cáo truyền hình.
Ông cho rằng giống như thế giới, quảng cáo trên mạng xã hội và trên các nền tảng thương mại điện tử chiếm phần lớn quảng cáo trên nền tảng số. Xu hướng tất yếu để tồn tại và phát triển là chuyển đổi số.
Tại Tọa đàm, diễn ra Lễ công bố kết quả Dự án chuyển đổi số toàn diện giữa Goldsun Media Group và Công ty Công nghệ I&E Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ngành truyền thông quảng cáo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những khó khăn và ngắt quãng trong kinh doanh.
Trên cơ sở ứng dụng công nghệ trong Dự án chuyển đổi số toàn diện công tác quản trị vận hành, Goldsun Media Group đã đạt được những thành tựu ban đầu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu công suất khai thác hệ thống... Từ đó, Goldsun Media Group cam kết dành nguồn lực đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC, đây là nỗ lực của NIC trong việc hỗ trợ ngành truyền thông quảng cáo trong thời kỳ chú trọng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Thy Lê