Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Ngành du lịch đang từng bước khôi phục và kỳ vọng có thể gia tăng được lượng khách trong năm 2022. Tuy nhiên, để du lịch phục hồi bền vững, ngành du lịch sẽ đề xuất thêm những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như giải quyết bài toán về nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt.
Giảm giá - kích cầu
Đón thị trường cuối năm, hầu hết các công ty lữ hành đã mở lại một số tour với giá kích cầu, giảm từ 10 - 50%. Ví dụ, Vietravel bắt đầu triển khai chương trình khuyến mại Xuân 2022, giảm 26% giá trị thanh toán cho tất cả khách hàng thanh toán hết giá trị tour khởi hành trước ngày 31/3/2022. Cũng trong thời gian này, Vietravel tặng 2.600 vé máy bay khứ hồi nội địa của Vietravel Airlines, thời gian áp dụng bay từ nay đến 19/12/2022.
Du khách có xu hướng lựa chọn những khu nghỉ dưỡng vắng vẻ, gần gũi thiên nhiên trong dịp Tết Dương lịch. |
Tương tự, VietSense cũng giảm giá 25% áp dụng cho một số tour khám phá Đông - Tây Bắc và miền Trung - Nam Bộ. Hay như Flamingo Redtours cũng giảm giá 50% cho khách hàng đăng ký nghỉ Tết Dương lịch tại khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải. Còn TST tourist giảm giá 10 - 15% cho các tour du lịch Điện Biên, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc...
Đại diện VietSense chia sẻ những ngày gần đây, du khách đặt tour Tết Dương lịch khá nhiều. Đặc biệt với các du khách ở Hà Nội có xu hướng đi chơi cùng gia đình và lựa chọn các địa điểm du lịch gần Hà Nội để nghỉ ngơi sau một thời gian dài "bó chân" do dịch bệnh COVID-19.
“Diễn biến Covid-19 còn khá phức tạp, nhiều trẻ em chưa được tiêm vắc-xin, nên du khách có tâm lý e ngại. Do đó, số lượng dù mới đạt 50% so với trước dịch, nhưng đây chính là tín hiệu vui vì du khách dần đông trở lại”, đại diện VietSense cho hay.
Nhiều cơ sở lưu trú cũng ghi nhận tỷ lệ khách hàng đặt phòng tăng lên tới 50% so với thời điểm trước dịch. Chị Bùi Thị Hồng Hạnh, chủ khách sạn Huyền Anh (Sapa) cho biết, từ khi mở cửa trở lại, chị kết hợp với đơn vị lữ hành, áp dụng nhiều khuyến mãi. Vì vậy, hiện nay, khách sạn đã nhận đạt 50% công suất phòng.
Tuy nhiên, khách đặt phòng ở Sapa hiện có sự chênh lệch, đa số chọn các khu resort lớn, có tên tuổi, đầy đủ tiện nghi, nhiều trò chơi giải trí... vì tâm lý e ngại dịch bệnh, hạn chế tham quan, tiếp xúc bên ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Sa Pa, hiện các cơ sở lưu trú từ 4 sao ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã kín tới 90% phòng từ 31/12/2021 đến 1-2/1/2022. Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết từ đầu tháng 11, lượng khách tới thị xã tăng mạnh vào cuối tuần. Khách chủ yếu lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng hạng sang vì mức giá giảm và tâm lý yên tâm hơn với công tác phòng chống dịch.
Đại diện Topas Ecolodge cho biết khu nghỉ dưỡng kín phòng dịp Tết Dương lịch cách đây nửa tháng. Có một số trường hợp khách, chủ yếu ở Hà Nội, là F0, F1 hoặc người ở vùng cam/đỏ buộc phải huỷ dịch vụ hoặc thay đổi ngày, nên hiện còn vài phòng trống.
Kỳ vọng thị trường sớm phục hồi
Hiện nay dù thị trường chưa thể sôi động bằng mọi năm, nhưng nhu cầu "lên đường" của người dân đang rất cao. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên du khách có xu hướng đặt tour cận ngày và các đơn vị lữ hành nhận khách đến giờ "chót". Thời điểm này, số lượng du khách mua tour Tết Nguyên đán chưa nhiều, nhưng du khách gọi điện tham khảo giá và tư vấn tăng mạnh so với thời điểm đầu tháng 12.
Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành cho biết nếu chính sách phòng chống dịch của các địa phương ổn định, nhất quán thì việc hồi phục của du lịch trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán dễ dàng hơn.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chương trình hướng tới mục tiêu phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa.
Ngoài ra, chương trình cũng nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, các đơn vị cần tập trung xây dựng những sản phẩm vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, phù hợp với từng giai đoạn, nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn là rất cần thiết và quan trọng, quyết định sự “sống, còn” của doanh nghiệp du lịch.
“Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó một số loại hình sẽ lên ngôi như: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, những trải nghiệm du lịch "không chạm", hạn chế tiếp xúc cũng được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Thực tế, các doanh nghiệp du lịch cũng đã chủ động xây dựng các chương trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho du khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết, ngoài việc xây dựng sản phẩm, các đơn vị cần nâng cao năng lực tổ chức, xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống phát sinh.
Thanh Hoa