Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 10 tháng năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra 141.000 vụ việc, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng.
Riêng hàng giả (hay còn gọi là “hàng fake”), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong 10 tháng qua đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.
Theo ước tính của Phòng thương mại Quốc tế ICC, giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 2.000 tỷ USD trong tương lai, tương đương 3% GDP toàn cầu.
Khó khăn trong xác minh
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” và phát động chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - Kết nối thành công” năm 2019, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết vấn đề xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và sáng tạo hàng hóa đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng tới quá trình đàm phán khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế của Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết các mặt hàng trong nước đều bị làm giả, từ những mặt hàng nhỏ nhất, khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam bị ảnh hưởng. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN) Việt gặp phải vấn nạn này là do vấn đề về bảo vệ quyền SHTT và thương hiệu của DN gặp nhiều khó khăn.
Không những thế, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán qua mạng Internet, các sàn thương mại điện tử vẫn diễn ra phổ biến và chưa được kiểm soát hiệu quả.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một DN phân phối độc quyền nhãn hàng chuyên về âm thanh BMB tại Việt Nam, trên mạng hiện nay đang có không dưới 20 trang web kinh doanh nhãn hàng BMB giả.
Do hàng giả giống như hàng thật, lại bán chỉ bằng 50% giá, các kênh bán hàng online hàng giả này chiêu dụ hết khách hàng, đẩy DN đến rất gần phá sản. Trong năm 2019, hàng giả đã gây lỗ cho công ty không dưới 40 tỷ đồng và khó khăn này tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, nếu các lực lượng chức năng không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là không dễ dàng. Hơn nữa, khi đã lưu thông trên thị trường, các mặt hàng này thường trà trộn và có mẫu mã giống với hàng thật, hàng có xuất xứ.
Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có DN chủ thể quyền rõ ràng như nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo DN, địa chỉ không có thật... thì công tác xác minh thậm chí rơi vào bế tắc.
Thực tế, trong thời gian qua, các DN cũng thừa nhận công tác phòng chống hàng giả là rất khó đối với bất cứ DN nào. Để bảo vệ cho sản phẩm của chính mình, các công ty đã tập trung đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, tem chống hàng giả, đầu tư hệ thống chính sách bán hàng.
DN thiệt hại lớn vì hàng giả, hàng nhái thương hiệu |
Chủ động “giải cứu”
Thậm chí, theo bà Phạm Thị Đào, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào, công ty đã tự cứu mình bằng cách treo thưởng với giá trị lên tới 600 triệu đồng cho một lượt bắt được hàng giả, vì thấy khâu phát hiện và xử lý hiện nay đang rất khó khăn.
Cũng có ý kiến cho rằng tình trạng hàng giả hiện nay giống như bệnh đang trong thời kỳ “di căn”, DN chỉ còn cách phòng vì chống không còn hiệu quả nữa. Để bảo vệ thương hiệu của mình, các DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định pháp luật về quyền SHTT và đăng ký bản quyền thương hiệu cho từng sản phẩm.
Cùng với đó, DN làm tốt khâu quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm ở từng địa phương. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tài sản hữu hình của DN chỉ đang chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản.
Điều đó có nghĩa là giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của DN chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của DN. Do đó, DN cần nâng cao nhận thức về thương hiệu, cách thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Việc DN tự cứu mình là một giải pháp, nhưng bên cạnh đó cần những biện pháp mạnh tay hơn đối với các đối tượng làm hàng giả, đặc biệt là với hình thức kinh doanh hàng giả trên mạng.
Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ triển khai một kênh kết nối trực tuyến để người tiêu dùng có thể ngay lập tức gửi thông tin khi có sự nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới các cơ quan chức năng. Các DN cũng có thể gửi thông tin bằng cách tương tự nếu nghi ngờ sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái.
Vân Linh