FDI đã được xác định là một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) Việt Nam, được ghi nhận bằ ng các đóng góp to lớn của nguồn vốn này trong suốt hơn 30 năm qua. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng, một thành phần của nền kinh tế, có ảnh hưởng đến đời sống KT-XH.
Tư duy mới về FDI
Tư duy mới trong thu hút và sử dụng FDI giai đoạn tới có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến thành – bại của việc tiếp tục mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Vậy, tư duy mới này là gì?
Trước hết cần nhắc đến tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam lần thứ nhất ngày 5/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay trên nền tảng 4.0, những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá”.
Cũng tại Diễn đàn này, “Đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0” đã được xác định là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Đây là điều kiện để Việt Nam không bị tụt hậu, nâng cao được năng lực đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Vậy, tư duy mới về thu hút và sử dụng FDI liên quan gì tới đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0?
Tiếp đến, cần điểm lại liên quan đến FDI hiện nay có các loại tư duy nào? Hiện có các suy nghĩ và trăn trở nào sẽ ảnh hưởng tới FDI giai đoạn tới: Tư duy tiếp tục mở cửa, khuyến khích FDI vào Việt Nam; tư duy hạn chế FDI vào Việt Nam; tư duy không cần đến FDI nữa…
Mỗi một loại tư duy đều có các cơ sở lập luận, theo góc nhìn, trình độ, năng lực, lợi ích… của từng người hoặc nhóm người đề xuất.
Tư duy mới được coi là đúng là tư duy hướng các hoạt động của con người nói riêng và toàn xã hội nói chung |
Tư duy này có thể đúng vào thời điểm này nhưng không đúng vào thời điểm khác là một việc bình thường, vì đời sống KT-XH luôn luôn biến động, các biến động đó thường nằm ngoài những đánh giá, xác định trước của con người.
Tư duy nhìn từ góc độ này thì đúng, nhưng từ góc độ khác lại sai. Chẳng hạn như nhìn để xác định khoảng cách giữa 2 điểm, nếu nhìn theo chiều đường thẳng đi qua 2 điểm thì thấy chúng rất gần nhau, nhưng nếu nhìn theo chiều ngang giữa 2 điểm thì lại thấy chúng rất xa nhau.
Không có tư duy nào có thể đúng mãi, bởi như trên đã nêu: đời sống KT-XH luôn biến động, phát triển, hoặc biểu dương hoặc sai trái để khép tội. Các tư duy đó cần được trình bày đúng nơi, đúng chỗ, không gây nên những bất ổn – phe phái đối đầu nhau trong xã hội, và việc nêu các tư duy cũng chỉ là để rộng đường nghiên cứu, cùng tìm ra một tư duy đúng, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tư duy mới được coi là đúng là tư duy hướng các hoạt động của con người nói riêng và toàn xã hội nói chung tới việc giải quyết được các đòi hỏi của đời sống KT-XH hiện tại để phát triển. Tư duy mới về FDI cũng phải đáp ứng nội dung này.
Cũng cần trao đổi thêm, tư duy nói chung có hai loại: Tư duy của cá nhân và tư duy của một tập hợp người (tập thể).
Tư duy cá nhân là những suy nghĩ, bao gồm cả các trăn trở của cá nhân đó khi mong muốn thực hiện được mục tiêu, ước vọng đặt ra. Tư duy của một tập thể là những suy nghĩ đồng thuận, cùng trăn trở của một tập thể người, để cùng nhau thực hiện một chương trình, kế hoạch to lớn hơn, mang lại lợi ích chung của mọi người trong xã hội. Và như trên cũng đã nêu: các tư duy đó chỉ đúng khi nó phù hợp với thực tế đời sống KT-XH mà họ đang sống, và tư duy đó sẽ thúc đẩy KT-XH phát triển cao, nhanh, bền vững, tốt đẹp hơn và ổn định.
Tư duy mới trong thu hút và sử dụng FDI giai đoạn tới liên quan đến 4.0 |
Đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0
Do vậy, tư duy mới trong thu hút và sử dụng FDI giai đoạn tới liên quan đến 4.0 (sau đây gọi chung là tư duy FDI 4.0) là tư duy tiếp tục triển khai thực hiện tốt các định hướng, giải pháp thu hút, sử dụng, quản lý FDI của Chính phủ trong giai đoạn tới. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn ngoại này cho đầu tư và phát triển KT-XH Việt Nam, phù hợp với đời sống kinh tế hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai.
Tư duy FDI 4.0 – đó cũng là tư duy đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0. Vì đổi mới, sáng tạo trên nền tảng 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân là hai động lực phát triển mới. Cùng với 3 chiến lược đột phá phát triển kinh tế là: Hoàn thiện thể chế – Phát triển cơ sở hạ tầng – Đào tạo nguồn nhân lực, hai động lực mới này cũng đã được xác định là những chiến lược đột phá mới phát triển kinh tế.
Tư duy FDI 4.0 đổi mới, sáng tạo này cụ thể là gì? Đó là tư duy trên cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, cùng sự trăn trở để tìm ra được thành tựu nào của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể áp dụng vào từng lĩnh vực cụ thể của Việt Nam (như công nghiệp, xây dựng nói chung và các phân ngành cụ thể; nông-lâm-ngư nghiệp; dịch vụ; du lịch…). Các thành tựu thông qua con đường thu hút FDI sẽ được đưa vào đầu tư – sản xuất – kinh doanh, góp phần nâng cao được năng suất lao động trong sản xuất và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tư duy mới FDI 4.0 này cũng bao gồm cả những suy nghĩ, trăn trở tìm ra các giải pháp khắc phục được những tồn tại của FDI hiện nay, như: FDI thiếu liên kết với DN trong nước; FDI chưa giúp thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển; FDI còn gây ô nhiễm môi trường…
Tư duy mới FDI 4.0 này cũng còn bao gồm xây dựng chính sách thu hút FDI gắn với phát triển kinh tế tư nhân, với an ninh quốc phòng, với giữ gìn văn hóa Việt và không vì lợi ích trước mắt mà thu hút FDI bằng mọi giá…
Cần có tư duy như nêu trên đối với FDI trong giai đoạn tới. Đó là sự triển khai cụ thể động lực tăng trưởng mới “Đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0”.
Việc thu hút được FDI 4.0 trong giai đoạn tới sẽ mang lại những chuyển biến cơ bản trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Làm như vậy sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh với chất lượng cao, giống như giai đoạn bắt đầu mở cửa cho FDI 30 năm trước đây.
FDI đã từng bước tạo điều kiện cho Việt Nam nắm bắt được công nghệ điện tử, ô tô, xe máy, viễn thông, dầu khí…, nhờ đó đất nước đã phát triển được như hiện nay. Để tiếp tục sử dụng FDI hiệu quả, Việt Nam cần đi tiên phong nắm bắt các công nghệ của 4.0, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các cường quốc.
Hồng Minh (Nguyên cán bộ Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư trước đây)