Ngay sau Tết, thị trường chịu một sức ép lớn của biến động giá xăng dầu, trong đó các doanh nghiệp sản xuất gần như sử dụng hết những nguyên liệu dự trữ. Từ đầu tháng 3, nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới, điều này tạo sức ép không nhỏ lên các nhà bán lẻ.
Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng dự kiến tăng mạnh
Trên thị trường, nhiều hàng quán đã điều chỉnh giá mới. Anh Thành Vinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Cuối tuần qua, tôi đặt một set gà rán tại tiệm gần nhà thì nhân viên cho biết giá đã được điều chỉnh tăng từ 5.000 – 10.000 đồng tuỳ món từ đầu tháng. Giá tăng cao như vậy, tôi phải cắt giảm bớt chi tiêu”.
Nhiều hệ thống phân phối, nhà bán lẻ cho biết trước đó đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá bán từ nhà cung cấp. |
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang chịu sức ép tăng giá rất lớn. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết: “Cùng với việc giá xăng dầu và gas tăng, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng mạnh nhất nên những sản phẩm thuộc ngành thực phẩm đồ khô, bánh kẹo, mì, bột làm bánh các loại… cũng tăng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, doanh nghiệp đã nỗ lực không tăng giá đồng nào. Nhưng bước sang tháng 3, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh tăng giá vì áp lực đầu vào, nguyên liệu, chi phí sản xuất rất lớn”.
Theo ông Nguyên Hữu Bình, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Bình Minh: “Lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp là giá các mặt hàng sơn tăng rất nhanh do ảnh hưởng của giá xăng dầu. Từ tháng 2 đến nay, mỗi tuần đều tăng thêm 5%, sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm trong thời gian tới".
Trao đổi với VnBusiness, đại diện một số siêu thị cho biết: Một số nhà cung cấp đã liên hệ với các hệ thống bán lẻ để xin tăng giá các mặt hàng, bởi sản xuất hàng hoá đang chịu thêm từ 5 - 10% chi phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua vẫn còn thấp, nếu giá cả các mặt hàng tăng, người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu.
Theo các nhà bán lẻ, với vai trò trung gian đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, tất cả đang nỗ lực đàm phán, cố gắng giữ giá nhất có thể, thậm chí phải bật chế độ khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Với những mặt hàng nào có mức tăng giá quá cao sẽ nhập số lượng ít, thậm chí tạm ngưng nhập.
Trì hoãn tăng giá, khuyến mại kích cầu
Đại diện hệ thống WinMart/WinMart+ chia sẻ: Thị trường tiêu dùng đang có xu hướng bước vào mặt bằng giá mới khi nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh điều chỉnh tăng giá do tác động bởi giá xăng dầu tăng cao. Trong bối cảnh đó, hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước gồm gần 2.800 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ sẽ nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp nhằm giữ giá ổn định, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm.
"Ảnh hưởng từ đại dịch, giá cả xăng dầu tăng cao, chúng tôi đề ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hàng trăm mặt hàng mỗi ngày cho người tiêu dùng như giảm giá đối với một số mặt hàng dầu gội, nước giặt, sữa tắm...", đại diện WinMart/WinMart+ nói.
Trì hoãn việc tăng giá nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng cũng là cách mà hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam đang làm. "Chúng tôi vẫn chưa đánh giá mức tăng giá cụ thể vì vẫn đang làm việc với các nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất cho người tiêu dùng", đại diện hệ thống siêu thị này cho biết.
Hệ thống Lotte Mart Việt Nam cũng đang tiến hành thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới với các nhà cung cấp; đồng thời tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng.
"Có nhiều phương pháp đàm phán. Nhà cung cấp phải chứng minh được việc tăng giá, tỷ lệ tăng giá đến từ mảng xăng dầu trong cơ cấu giá thành. Chúng tôi cũng thương lượng với họ để lộ trình áp dụng tăng giá là dài nhất để người tiêu dùng được hưởng mức giá cũ lâu nhất có thể", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam thông tin.
Dù ghi nhận nỗ lực giữ giá của các nhà bán lẻ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để giữ sức mua, các nhà bán lẻ cần những đợt "kích cầu" đánh trúng tâm lý người mua thông qua các chương trình khuyến mãi, lễ hội mua sắm ý nghĩa.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, ngay khi dịch dần ổn định, các nhà bán lẻ và công ty sản xuất cần đầu tư rất nhiều vào hoạt động khuyến mãi và giảm giá cho các lễ hội lớn kéo sức mua. Mặc dù chi tiêu của người dân sẽ eo hẹp hơn nhưng vẫn sẵn sàng "đối đãi" tốt với bản thân trong mùa lễ hội bằng cách tìm kiếm các sản phẩm cao cấp mà họ nhận thấy có giá trị.
Hoàng Hà