Tại cuộc họp báo Bộ NN&PTNT, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, phía cơ quan chức năng của Trung Quốc yêu cầu tôm hùm bông phải được nuôi từ giống F2, cơ sở xuất khẩu phải đăng ký. Tuy nhiên, hiện, tôm hùm bông chưa sản xuất được giống nhân tạo, chủ yếu thu gom tự nhiên.
Tôm hùm bông vẫn đang gặp khó ở thị trường Trung Quốc. |
Theo ông Cẩn, tôm hùm của Việt Nam có 4 loài đang được nuôi, trong đó tôm hùm bông chiếm 28 -30%. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, ngành thủy sản có thể dịch chuyển sang đối tượng không nằm trong danh mục cấm là tôm hùm tre, tôm hùm xanh.
Vừa qua, Cục Thủy sản cũng đã yêu cầu các đơn vị thả nuôi tôm hùm báo cáo tình hình. Qua số liệu, Việt Nam có 224 cơ sở tôm hùm bông. Theo quy định của Luật Thủy sản, các cơ sở thả nuôi sẽ đăng ký cấp mã số.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan chức năng của Trung Quốc yêu cầu tôm hùm bông Việt Nam phải lấy giống từ F2, nhưng toàn thế giới chưa sản xuất được giống tôm nhân tạo, mà vẫn lấy từ tự nhiên. Điều đó có nghĩa nếu đối tác bán giống cho Việt Nam vi phạm thì mình sẽ ảnh hưởng.
Hiện, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 của Việt Nam đã làm được 9 bước trong 10 bước về sản xuất giống tôm hùm bông nhưng sản xuất hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học là bài toán khó.
Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để tiếp tục gỡ khó cho tôm hùm bông để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tại kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc để các doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới từ thị trường này.
Trước đó, tại hội nghị "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam", ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vân Phong (Khánh Hòa) cho hay, người nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hòa đang rơi vào cảnh vô cùng khó khăn sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu.
Thy Lê