Nếu như khoảng 3 tháng trước, giá tôm hùm bông thường ở mức 2,2-2,4 triệu đồng/kg thì đến nay, giá tôm hùm bông ở một số tỉnh thuộc Nam Trung Bộ đã chỉ còn 1,1-1,2 triệu đồng/kg. Còn tôm hùm bông loại chất lượng thấp hơn chỉ có giá khoảng 750.000 đồng - 1 triệu đồng/kg.
Bấp bênh lớn, cạnh tranh nhiều
Việc tôm hùm xuống giá được các ngành chức năng lý giải là do đầu ra khá hẹp. Tôm hùm Việt chủ yếu xuất tươi sang Trung Quốc thông qua hình thức tiểu ngạch khoảng 80%, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Trong khi thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh kiểm tra về chất lượng tôm hùm nhập khẩu từ Việt Nam, thay vì chỉ kiểm tra 20-30% lô hàng, Trung Quốc đã chuyển sang kiểm tra 100% các lô hàng. Đây là một trong những nguyên nhân làm xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm giảm 42% so với cùng kỳ 2022 (đạt 76 triệu USD), theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn nâng cao chất lượng nông thủy sản để bảo đảm sức khỏe người dân trong nước nên họ đang siết dần hình thức nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Và thay vì nhập nhiều từ Việt Nam, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu tôm hùm từ các nước có chất lượng nuôi trồng tốt hơn là Mexico, Mỹ, Canada… Chính vì lẽ đó mà tỷ lệ tôm hùm từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới đạt 1% tổng số tôm mà nước này nhập khẩu.
Ngay cả trong nước, dù thị phần tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 20% sản lượng nhưng tôm hùm Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh mạnh bởi tôm hùm ngoại. Cụ thể là tôm hùm Đông Úc khi nhập về Việt Nam được bán với giá lên đến 2,3 triệu đồng/kg nhưng vẫn hút người mua vì được đánh giá cao về chất lượng thịt và quy trình nuôi. Nếu như tôm hùm bông của Việt Nam bị nhiều người tiêu dùng đánh giá là nhiều vỏ, ít thịt, quy trình chăn nuôi chưa rõ ràng thì tôm hùm Đông Úc lại ngược lại khi có thịt chắc và chủ yếu đánh bắt bằng bẫy, ngư dân đều phải tuân thủ hạn ngạch về kích thước để tôm hùm có cơ hội sinh sản trước khi bị đánh bắt.
Nói về điều này để thấy, dù là thế mạnh phát triển ở một số tỉnh phía Nam Trung Bộ nhưng để tôm hùm cạnh tranh được trên thị trường không hề dễ dàng. Các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa hiện đều là thủ phủ nuôi tôm hùm của cả nước khi chiếm đến 80% sản lượng nhưng khâu sản xuất tôm hùm vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có các quy hoạch cụ thể và cũng chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị bền vững.
TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, cho biết nhiều vùng có thế mạnh nuôi tôm hùm ở Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên hiện nay chủ yếu nuôi tôm theo hộ và bán cho thương lái tại địa phương và các tỉnh lân cận. Tôm hùm cũng chủ yếu bán tươi, chưa được đầu tư chế biến để nâng cao giá trị nên dù làm ra tôm hùm nhưng tôm thiếu các chứng nhận cần thiết nên chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch, giá cả bấp bênh.
“Tôi đã đi thực tế ở nhiều vùng nuôi tôm và thấy rằng rất nhiều người dân mong muốn có HTX đứng ra hỗ trợ họ sản xuất. Vì nhiều chứng nhận hiện nay bên thứ ba không cấp cho cá nhân mà phải theo tập thể. Chính vì vậy, chỉ có HTX mới hỗ trợ người dân làm quy trình sản xuất thì mới thuận lợi cho các khâu như làm mã số, truy xuất nguồn gốc, bao tiêu đầu ra hoặc liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu”, TS Võ Văn Nha cho biết.
Cần thành lập và hỗ trợ các HTX nuôi tôm hùm phát triển theo chuỗi giá trị để ngành hàng này phát triển bền vững. |
Như vậy, muốn ngành hàng tôm hùm phát triển bền vững thì việc quan tâm hình thành và phát triển các HTX để phát triển theo chuỗi giá trị là điều hết sức cần thiết nhằm giải quyết những bấp bênh về giá cả, khó khăn trong khâu chứng nhận, nâng cao chất lượng và quy mô nuôi trồng. Có như vậy, tôm hùm Việt Nam mới có cơ hội cạnh tranh với những loại tôm nhập khẩu từ nước ngoài cũng như cạnh tranh tại thị trường một số nước đang xuất khẩu.
Nắm được vai trò của mô hình HTX, một trong những vùng nuôi tôm hùm chủ lực ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên khi chiếm khoảng 60% số lồng toàn tỉnh với sản lượng lên đến khoảng 1.000 tấn/năm đã tháo gỡ khó khăn cho người dân bằng cách thành lập HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu vào đầu năm 2023. HTX đang làm chủ chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm, xây dựng thương hiệu độc quyền gắn với chỉ dẫn địa lý vùng nuôi, giúp tăng giá trị con tôm hùm. Hiện, tôm hùm của thành viên được HTX đứng ra bao tiêu và trực tiếp xuất khẩu nên người nuôi tôm hùm đã hạn chế rơi vào cảnh bấp bênh.
Sản xuất vẫn kiểu mò kim đáy biển
Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán đó thì cũng cần thực hiện song song nhiều giải pháp khác nữa vì theo ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, bài toán con giống vẫn chưa có lời giải nên từ khi thành lập đến nay, HTX có những lần phải hoãn thả con giống vì thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng.
Còn ông Dương Ngọc Mỹ, thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, cho rằng việc nuôi tôm hùm của các thành viên chưa phát triển ổn định vì Nhà nước chưa có quy định giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè. Chính vì vậy, việc đầu tư vẫn như kiểu mò kim đáy biển.
Theo các chuyên gia, khó khăn về giống tôm hùm cũng là khó khăn chung của ngành tôm hiện nay. Nguyên nhân là trong nước chưa chủ động được các phương pháp tạo giống nên giống tôm hùm chủ yếu phải nhập khẩu nhưng đặc điểm của giống tôm là hao hụt rất lớn nên nguồn giống đã thiếu lại càng thiếu hơn. Thống kê của Cục Thủy sản cho thấy, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 80 - 90 triệu con giống nhưng thực tế lượng tôm hùm giống đạt chất lượng đưa vào nuôi trồng chỉ còn 9-10 triệu con.
Chính vì vậy, khi chưa tìm ra giải pháp để chủ động nguồn tôm hùm trong nước thì TS Võ Văn Nha, cho rằng cần nhanh chóng tìm các giải pháp để chủ động trong khâu vận chuyển, ương dưỡng, kiểm tra khi nhập khẩu tôm hùm giống để giảm bớt thời gian, đảm bảo môi trường sống, từ đó hạn chế tới mức thấp nhất lượng tôm hùm giống bị hao hụt trong quá trình nhập khẩu.
Đi liền với đó, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ chế giao khu vực biển cho người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển để họ chủ động trong phát triển sản xuất. Tránh tình trạng khuyến khích đầu tư nhưng lại thu hồi vì không đảm bảo nuôi trồng tôm hùm trên biển theo quy hoạch dẫn đến thiệt hại lớn cho người dân, HTX, doanh nghiệp.
Đối với thị trường trong nước, bài học từ thực tiễn cho thấy, nguồn khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài là nguồn tiêu thụ tôm hùm không hề nhỏ bởi khả năng chi trả của họ cao hơn so với người dân và khách du lịch trong nước. Chính vì vậy, thúc đẩy phát triển du lịch để xuất khẩu loại hải sản này tại chỗ là điều không thể bỏ qua. Trong khi các địa phương phát triển nghề nuôi tôm hùm đều có thế mạnh về phát triển du lịch.
Bài học từ một số nước cho thấy, xuất khẩu tôm hùm tại chỗ thông qua khách du lịch là một trong những hướng đi bền vững cho ngành hàng này. Ngay tại Na Uy, nước này đang kết hợp phát triển ngành nghề nuôi tôm hùm theo hướng hiện đại gắn với du lịch. Các trang trại nuôi hải sản cũng chính là điểm đón tiếp khách đến trải nghiệm. Nhưng để làm được điều này, Na Uy đã chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX có năng lực trong nuôi hải sản và hoàn thiện chính sách miễn phí cấp giấy phép có thời hạn 10 năm cho các trang trại trình diễn nuôi hải sản kết hợp du lịch trên biển tại những địa phương được coi là thủ phủ về du lịch. Chính vì vậy mà đơn vị phát triển các trang trại hải sản, trong đó có nuôi tôm hùm yên tâm đầu tư.
Hiện, Việt Nam cũng đã làm được điều này nhưng việc kết nối khách du lịch tới các điểm nuôi tôm hùm mới chỉ lẻ tẻ. Các vùng nuôi tôm cũng chưa đầu tư bài bản, nhất là đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm do thiếu vốn, thiếu quy hoạch, thiếu quy định giao mặt nước biển. Đặc biệt áp lực về vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan quanh khu vực nuôi tôm hùm đang là điểm yếu tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Huyền Trang