Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu thị trường, doanh số xe đạp thể thao đã tăng trưởng từ 15% đến 20% mỗi năm, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong thói quen tiêu dùng của người dân.
Ước tính, có khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp được tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm, với tổng giá trị thị trường ở mức 7.500 tỷ đồng.
Nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh
Trao đổi với VnBusiness , anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cửa hàng xe đạp thể thao "Hùng Bike" tại Hà Nội, chia sẻ: “3 tháng trở lại đây, khách hàng đến cửa hàng ngày càng đông. Họ không chỉ tìm mua xe mà còn hỏi về các phụ kiện và dịch vụ bảo trì. Nhiều người chọn xe đạp không chỉ để đi làm mà còn để tập luyện thể thao và giữ gìn sức khỏe".
Anh cho biết thêm, trong mùa hè vừa qua, doanh thu của cửa hàng đã tăng 30% so với năm trước, với nhiều khách hàng là những người trẻ tuổi và các gia đình. “Tôi nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng khi mà mọi người ngày càng ý thức hơn về sức khỏe và môi trường,” anh Hùng nhìn nhận.
Doanh số xe đạp thể thao đã tăng trưởng từ 15% đến 20% mỗi năm. |
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe đạp thể thao của người dân, cửa hàng anh Hùng đã bày bán xe đạp thể thao với mẫu mã và chủng loại phong phú, giá thành đa dạng, phù hợp với lựa chọn của người tiêu dùng.
Cụ thể, các loại xe đạp leo núi, xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em... đến từ các thương hiệu như Thống Nhất (Việt Nam), Giant (Đài Loan), Asama, Trinx (Nhật), Galaxy (Trung Quốc)... những dòng xe phổ biến nhất là phân khúc sản phẩm có chất lượng tầm trung, giá dao động từ 2 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng/chiếc. Các dòng xe đạp với chất lượng tốt hơn có giá dao động từ 7 triệu đồng - 10 triệu đồng/chiếc. Cùng với đó, những dòng cao cấp có giá từ 15 triệu đồng đến hơn 30 triệu đồng/chiếc.
Theo nhiều chủ cửa hàng, thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh bắt đầu tìm kiếm các mẫu xe đạp thể thao để con rèn luyện thể chất.
“Từ đầu tháng Sáu, số lượng xe đạp bán tăng gấp đôi so với ngày thường. Các mẫu xe thể thao từ 3 đến 9 triệu đồng được nhiều khách hàng quan tâm hơn cả. Chẳng cần phải chạy quảng cáo nhiều, khách cứ "nườm nượp đến khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi,” anh Phạm Minh Sơn, chủ cửa hàng xe đạp Khánh Hiệp (Bắc Từ Liêm) cho biết.
Trao đổi với VnBusiness, chị Mai Thị Lan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi bắt đầu đạp xe từ khi dịch bệnh xảy ra. Ở nhà quá lâu, tôi cảm thấy cần phải ra ngoài vận động. Xe đạp không chỉ giúp tôi rèn luyện sức khỏe mà còn là một cách để tôi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Hơn nữa, đạp xe cũng tiết kiệm chi phí đi lại, nhất là khi tình hình giao thông trở nên phức tạp.”
Chị Lan cũng chia sẻ rằng chị thường đạp xe vào cuối tuần cùng gia đình và bạn bè. “Chúng tôi thường tổ chức những buổi đi chơi đạp xe tại công viên hoặc các khu vực có không gian xanh. Đó thực sự là khoảng thời gian vui vẻ và ý nghĩa,” chị nói.
"Miếng bánh" thị phần còn nhiều
Không thể phủ nhận thị trường xe đạp thể thao/xe địa hình là “một miếng bánh hấp dẫn”, tuy nhiên, thị trường hiện chỉ có một vài “ông lớn” nắm khoảng 10% thị phần, 90% thị phần thuộc về các đơn vị buôn bán nhỏ lẻ, manh mún và chưa được đầu tư bài bản.
Đơn cử như đầu năm 2023, CTCP Vòng Xanh - đơn vị sở hữu hai chuỗi xedap.vn và xedien.vn hoàn thành thương vụ hợp tác đầu tư với Excelsior Capital Asia vào tháng 12/2022. Excelsior sẽ trở thành đối tác vốn và hỗ trợ chiến lược cho Vòng Xanh. Khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho mục đích mở rộng chuỗi bán lẻ, xây dựng danh mục xe đạp và phụ kiện phục vụ cho nhu cầu “di chuyển xanh” của người dân, đồng thời phát triển các nền tảng công nghệ kết nối các hoạt động thể thao xoay quanh xe đạp và xây dựng cộng đồng thể thao trên toàn quốc.
"Có rất nhiều hướng để đầu tư vào thị trường này. Đầu tiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho xe đạp, chẳng hạn như xây dựng đường dành riêng và bãi đỗ xe, sẽ là một lĩnh vực hấp dẫn. Thứ hai, phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp và các tour du lịch bằng xe đạp cũng đang được ưa chuộng. Cuối cùng, công nghệ thông minh trong xe đạp như ứng dụng theo dõi sức khỏe và hệ thống định vị cũng là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư sáng tạo", ông Trần Minh Tuấn - chuyên gia trong lĩnh vực xe đạp thể thao với hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành công nghiệp xe đạp cũng không đứng ngoài cuộc. Các nhà đầu tư có thể mở rộng thị trường thông qua các cửa hàng trực tuyến chuyên cung cấp xe đạp và phụ kiện. Việc xây dựng một nền tảng thương mại điện tử mạnh mẽ không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành so với các cửa hàng truyền thống mà còn mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng từ nhiều khu vực khác nhau. Đặc biệt, các chiến dịch quảng cáo trực tuyến hiệu quả có thể giúp tăng doanh số bán hàng và nâng cao nhận diện thương hiệu.
Số liệu từ Statista - công ty nghiên cứu thị trường của Đức cho thấy, doanh thu mảng xe đạp tại Việt Nam ước đạt 295,8 triệu USD năm 2023, dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 – 2027 là 5,88%, do đó doanh thu có thể đạt mức 371,8 triệu USD với 2,49 triệu chiếc xe đạp được bán vào năm 2027.
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường xe đạp thể thao tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, các doanh nghiệp luôn phải tìm kiếm những đối tác tin cậy để cùng xây dựng một chuỗi liên kết bền vững, từ sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ sản phẩm.
Lê Hồng