Theo tin từ Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), từ khi chính thức thí điểm (tháng 8/2023) đến nay, đã có hơn 340.000 lượt sử dụng xe đạp đô thị, tương đương trung bình gần 1.150 chuyến/ngày.
Lợi ích rõ ràng
Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam, cho biết sau hơn một năm thí điểm, đơn vị đã triển khai hơn 700 xe đạp tại 88 điểm ở 6 quận được phép cho hoạt động, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Về tốc độ tăng trưởng số lượng khách, hiện trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. 100% thời gian hoạt động trong ngày đều có khách hàng sử dụng. Trên toàn bộ khu vực thí điểm chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến hoạt động của xe đạp đô thị.
Xe đạp công cộng đang dần quen thuộc hơn với người dân Thủ đô, với những lợi ích về môi trường, thuận tiện... |
Thống kê cũng cho thấy, trong số khách hàng đang sử dụng xe đạp công cộng, lượng khách hàng thường xuyên, sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%. Khách thuê xe đạp chủ yếu trong khoảng thời gian từ 6 - 9h và 18 - 21h. Lượng khách thuê xe vào cuối tuần cao hơn 1,6 lần so với ngày thường. 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 – 40.
Đặc biệt, trong tổng số 88 trạm xe đạp, có 42 trạm gần với các điểm dừng, nhà chờ xe buýt và nhà ga đường sắt đô thị (chiếm tỷ lệ 46,5%). Hơn 100.000 chuyến đi đã được thực hiện tại các trạm này phản ánh tiềm năng lớn trong việc kết nối xe đạp đô thị với các phương tiện giao thông công cộng khác. Lưu lượng sử dụng trung bình 100 chuyến xe đạp/ngày tại trạm nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một điển hình về tính hiệu quả của việc kết nối này.
Để đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng xe đạp đô thị, bộ phận chăm sóc khách hàng được phân công trực 24/7, bảo đảm giải đáp mọi thắc mắc kịp thời. Các điểm trạm đều được giữ gìn sạch sẽ, xe tại trạm không hỏng hóc. Hiện, Trí Nam tiếp tục khảo sát trước khi đề xuất cơ quan có thẩm quyền và đang nghiên cứu mở rộng khoảng 2.000 xe ngay trong năm 2024.
“Các xe sẽ được bố trí chủ yếu tại khu vực các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, nơi có mật độ dân số cao. Nhiều hành khách phản hồi về công ty đề nghị mở thêm trạm tại các khu vực lân cận và các trường đại học trên địa bàn", ông Đỗ Bá Quân thông tin.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường, Hà Nội đang chủ trương đẩy mạnh phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển phương tiện công cộng, trong đó có xe đạp đô thị.
Chưa kể, mạng lưới giao thông tại Hà Nội hiện tại có đặc thù là ngõ nhỏ, phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến các nhà ga, bến tàu, trạm xe buýt lên tới hàng km. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý. Nhìn xa hơn, việc phát triển các loại hình giao thông xanh như xe đạp đô thị thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.
Vì sao chưa hút khách?
Lợi ích thì đã rõ, nhưng thách thức đặt ra lúc này là giải “bài toán” hút khách sử dụng xe đạp công cộng. Lãnh đạo đơn vị vận hành thừa nhận, dù được thành phố miễn phí sử dụng vỉa hè, song đến nay, dịch vụ cho thuê xe đạp vẫn chưa thể có lãi. Chi phí đầu tư giai đoạn đầu là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân khiến dịch vụ xe đạp công cộng chưa thực sự hút khách. Trước hết là những yếu tố khách quan như thời tiết, môi trường, mật độ giao thông, sau đó là các yếu tố về hạ tầng, chưa có làn đường cho xe đạp, mật độ các trạm đặt xe còn ít, thói quen sử dụng xe cá nhân...
Cần nhiều giải pháp để tăng sức hút cho các loại hình giao thông công cộng tại Hà Nội. |
Theo chuyên gia, để mở rộng đối tượng khách hàng, cần có môi trường để phương tiện vận hành thuận tiện. Muốn có môi trường thuận lợi lại cần cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tạo dựng khung pháp lý, cơ chế vận hành cho phương tiện, bao gồm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu của đơn vị vận hành để xe đạp bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người dân.
Bên cạnh đó, phải coi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị và Nhà nước phải tham gia để quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng…
TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, nhìn nhận ưu điểm của xe đạp là không phát thải, tốt cho môi trường lại lợi cho thể chất cho người dân, vì vậy cần được khuyến khích phát triển.
"Nếu có thể, cần thiết lập những làn đường ưu tiên, dành riêng cho xe đạp trên một số tuyến. Tại các đô thị lớn của Việt Nam, xe đạp vẫn là phương tiện yếu thế", ông Bình nêu quan điểm.
Thực tế, không chỉ với xe đạp đô thị, tăng tính hấp dẫn với khách hàng cũng đang là “bài toán” chung của giao thông công cộng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Điển hình như với loại hình đường sắt đô thị, cả 2 tuyến đường tàu Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đều được đánh giá là giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và sinh thái.
Đơn cử, với Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, sau gần 3 năm đi vào khai thác, tổng sản lượng hành khách phục vụ đã lên tới con số hàng triệu hành khách, với hơn 24.500 lượt tàu an toàn.
Ưu điểm của các tuyến đường sắt đô thị là rất rõ ràng, tuy nhiên tỷ lệ hành khách sử dụng metro tại Hà Nội hiện đang thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn trong khu vực, với chỉ khoảng 1% dân số Hà Nội sử dụng metro, trong khi con số này ở Singapore, Bangkok, và Kuala Lumpur lần lượt là 50%, 15%, và 10%.
Để tăng sức hút cho giao thông công cộng như xe đạp đô thị, xe buýt, metro..., theo chuyên gia, giai đoạn tới thành phố Hà Nội và các địa phương khác cần tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ.
Cụ thể, theo TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hiện giá cả đã khá hợp lý, nên chỉ cần tăng cường hơn tính an toàn như khi tiếp cận nhà ga, thay đổi từ phương thức này sang phương thức khác khi đi trên xe buýt.
Ông Trường cho rằng, thành phố Hà Nội cần xác định rõ vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu, tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.
Nam Phong