Nếu hết quý II, dịch bệnh không được đẩy lùi mà kéo dài đến quý III/2020, dự báo cầu nhập khẩu dệt may thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 - 680 tỷ USD, giảm từ 15 - 25% so với mức 780 tỷ USD của năm 2019. Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may cũng cho ra một dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu trong 2020 trên toàn thế giới.
Sản xuất khẩu trang chỉ là giải pháp tạm thời
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý I/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã chứng kiến mức sụt giảm 7,42%. Dự kiến quý II sẽ là quý có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Mức giảm nhập khẩu nguyên liệu lên tới 23% trong quý I là chỉ dấu cho việc kim ngạch xuất khẩu quý II sẽ giảm trên 20% so với cùng kỳ.
Cơn "sóng thần" Covid-19 đã cuốn bay mọi ánh hào quang của xuất khẩu dệt may (Ảnh: Tư liệu) |
Với ngành dệt may Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, Vitas cho biết tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu.
Theo Vitas, nhiều doanh nghiệp dệt may đang trở thành "con nợ" khó đòi của ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự trong tháng 4, còn đến tháng 5 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang với hy vọng sẽ duy trì được việc làm cho công nhân, tuy nhiên hiện nay thị trường trong nước đã bão hòa, xuất khẩu khó khăn.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy năng lực sản xuất khẩu trang vải của ngành dệt may lên tới 11 triệu chiếc/ngày và hiện đang tồn kho lên tới 20 triệu chiếc nhưng việc xuất khẩu và tiêu thụ gặp khó khăn.
Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may cho biết khẩu trang chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo được cho các doanh nghiệp may sống sót được hết năm 2020.
Tương lai khó đoán định
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong quý I/2020, gần như 100% các đơn vị trong Tập đoàn đã thiếu việc làm, trong tháng 4 và tháng 5 với tỷ lệ từ 30-70% công suất. Thương hiệu càng cao, tỷ lệ cắt giảm càng lớn. Lợi nhuận của Tập đoàn chỉ bằng 85% cùng kỳ.
"Với tình hình này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2020 thấp hơn năm 2019 khoảng 20%, doanh nghiệp có tỷ lệ hoạt động cả năm chỉ ở mức 70-75% công suất với giả thiết sản xuất bình thường từ tháng 6, áp lực thiếu hụt đơn hàng quy về tương ứng 2 - 3 tháng sản xuất", ông Trường cho biết.
Mặt khác, rủi ro do Trung Quốc đã hoạt động trở lại, cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu với dự kiến đơn giá giảm trên 20%. Sức ép này lại càng đè nặng lên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hồ Gươm và CTCP May Chiến Thắng, những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra không thể mô tả hết bằng vài lời ngắn gọn, bởi nó đã làm đảo lộn tất cả. Những ánh hào quang của quá khứ như tăng trưởng liên tục đạt hai con số trong nhiều năm, kim ngạch đạt xấp xỉ 40 tỷ USD bị cuốn bay.
"Dịch Covid-19 đã đặt doanh nghiệp về mốc xuất phát ban đầu trước diễn biến thay đổi chóng mặt của các thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể dự báo được nhu cầu thị trường trong thời gian tới", bà Ty nói.
Cũng theo bà Ty, quay về thị trường nội địa là cách lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong ngành nhưng sức cầu trong nước suy giảm mạnh khiến doanh nghiệp gặp khó.
Với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới, Vitas dự báo chắc chắn ngành dệt may sẽ có một năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu, trong đó kịch bản cao là đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD - giảm 10% so với năm trước, kịch bản hiện thực là khoảng 33,5 tỷ USD, kịch bản thấp chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD. Bảo toàn mọi nguồn lực của doanh nghiệp từ nhân lực, thị trường, tài chính là yếu tố quyết định chờ vượt qua "cơn sóng thần" Covid-19.
Thy Lê