Ngày 14/11, tại hội thảo "Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal” do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing, Văn phòng Chứng nhận Halal cho biết: Để sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, điều quan trọng hàng đầu là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế.
Một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam tuy có thể cung cấp dịch vụ chứng nhận, nhưng nếu không được công nhận bởi tổ chức quốc tế, chứng nhận của họ sẽ không có giá trị khi xuất khẩu vào nhiều nước Hồi giáo.
Nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng XK sang các thị trường Halal. |
Tổ chức chứng nhận Halal có uy tín và được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo, mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế. Còn chứng nhận Halal từ một tổ chức không uy tín có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu, hoặc phải trải qua quá trình kiểm định bổ sung, gây lãng phí thời gian và chi phí.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu thành công vào thị trường các nước Hồi giáo (Halal) nhiều năm nay, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu cá ngừ của công ty sang EU bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU, nên đơn vị đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng XK sang các thị trường Halal, với đơn hàng ngày một tăng. “Hiện sản phẩm của chúng tôi đã đáp ứng các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận Halal và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đang được đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Đông, đặc biệt các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)”, bà Lan chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của bà Lan, để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận Halal. Các nước hồi giáo chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí này để XK bền vững.
Trước kia, sản phẩm Việt Nam vào thị trường Hồi giáo phải trả thuế nhập khẩu. Gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều ưu đãi thuế, giảm quy trình thủ tục để xuất khẩu hàng Việt có chứng nhận Halal. Vì thế, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội này.
Tuy nhiên, chia sẻ thêm về câu chuyện xuất khẩu ngành thủy sản tại thị trường này, bà Kim Thu, chuyên gia ngành tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, trên thị trường UAE, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador. Trong đó, tôm Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%-7% thị phần. Kỳ vọng, với Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, để có thể tăng thị phần tại thị trường này.
Hiện các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào UAE đang bị áp mức thuế 5%. Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường này sẽ mở rộng hơn khi FTA giữa Việt Nam và UAE có hiệu lực và đưa thuế nhập khẩu thủy sản vào quốc gia này về 0%. Điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường này.
Bên cạnh thuế quan, khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE là các yêu cầu của nhà nhập khẩu liên quan đến chứng nhận Halal. Theo đó, sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào bị cấm theo luật Hồi giáo; trong suốt các khâu sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu luật Hồi giáo không cho phép; đồng thời trong suốt quá trình đó sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu luật Hồi giáo không chấp nhận. Vấn đề này đang được các doanh nghiệp quan tâm khắc phục.
Để xuất khẩu bền vững, việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal cần được chú trọng. Các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất Halal bao gồm các yếu tố về số lượng khiếu nại, sự cố Halal, tần suất kiểm tra, tỷ lệ nhân viên được đào tạo mức độ trưởng thành của Halal, niềm tin Halal, chỉ số danh tiếng Halal, giấy phép hoạt động và xếp hạng Halal.
Ông Firdauz Bin Othman, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TPHCM cho biết, hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển và gia tăng nhu cầu về các sản phẩm Halal. Riêng về mảng thực phẩm Halal đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Việc này đã mang đến những cơ hội lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal. Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng tại thị trường Trung Đông và châu Phi có nhiều khác biệt so với Việt Nam, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì… cho đến phương thức quảng bá sản phẩm.
Một số thách thức khác có thể kể đến nữa là về logistics như thời gian vận chuyển dài, chi phí vận tải cao và cơ sở hạ tầng không đồng đều tại các quốc gia châu Phi có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định. Điều này đòi hỏi năng lực xây dựng mối quan hệ với các đối tác bản địa và nhà nhập khẩu của doanh nghiệp và đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng để tiếp cận hiệu quả thị trường Trung Đông và châu Phi nói riêng, thị trường Halal toàn cầu nói riêng.
Do đó, theo đại diện Bộ Công Thương, để tránh những rủi ro trên, doanh nghiệp cần tận dụng chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc đoàn công tác thương mại do Chính phủ, hiệp hội ngành nghề tổ chức để từng bước nắm bắt cơ hội thâm nhập thị trường tiềm năng của sản phẩm Halal Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú trọng phân tích và đánh giá rủi ro trước khi quyết định mở rộng thị trường Halal là rất cần thiết.
Hồng Hương