Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), trong năm 2017, có khả năng một số đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Cộng thêm dư địa về sản xuất và xuất khẩu của ngành da, giày còn nhiều, nên năm 2017, kết quả sẽ khả quan.
Khó khăn nội tại
Tỏ ra thận trọng hơn, nhìn lại năm 2016 vừa qua, Bộ Công Thương cho rằng da giày nằm trong một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng thấp. Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu giày dép năm 2016 ước đạt 7,6%, tương đối thấp so với mức tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng này trong năm 2015 (16,3%).
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh nguyên nhân khách quan vì thị trường xuất khẩu chủ yếu của các mặt hàng này là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… không mấy tăng trưởng về nhập khẩu giày dép, xuất khẩu giày dép của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh mạnh từ các nước khác như Campuchia, Myanmar, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Tuy nhiên bộ này cũng lạc quan với EVFTA, bởi ưu đãi thuế quan hấp dẫn sẽ mở ra khả năng các nhà sản xuất giày dép Việt Nam có thêm nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Vấn đề là ngành da giày cần tập trung tháo gỡ khó khăn nội tại, giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước.
Ngoài ra, cần tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt tại Hoa Kỳ và các thị trường thuộc EU. Khi EVFTA với EU có hiệu lực năm 2018, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa. Muốn xuất khẩu sang EU, các DN da giày Việt Nam phải tuân thủ những điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ.
![]() |
Cơ hội nào cho doanh nghiệp da giày nội?
Điều này sẽ khiến cho các DNNVV của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra tại thị trường cao cấp như EU.
Một vấn đề tồn tại kéo dài là ngành công nghiệp da giày Việt đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu, môi trường, công nghệ sản xuất và nhân lực. Sản xuất giày dép chủ yếu theo hình thức gia công xuất khẩu, với nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ nước ngoài và mẫu mã sản xuất theo chỉ định của khách hàng.
Cần giá trị gia tăng
Như nhận định của giới chuyên gia, giá trị xuất khẩu giày dép đạt giá trị cao nhưng giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm vẫn thấp. Tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chỉ ở mức 50%, chưa đủ đáp ứng hoàn toàn những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết.
Trên thực tế, phần lớn các DN tiêu biểu trong ngành da giày Việt Nam hiện nay là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN trong nước chiếm thị phần rất nhỏ, chủ yếu sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa và gia công theo đơn đặt hàng nước ngoài.
Số liệu ước tính cho thấy DN FDI tuy chỉ chiếm 23% trong tổng số DN da giày nhưng đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu, còn DN trong nước chiếm 77% nhưng chỉ đáp ứng 35% kim ngạch xuất khẩu.
Mặt khác, DN nội trong ngành này phần lớn đều làm hàng gia công, nguyên phụ liệu lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Những mặt hàng chính như: da thuộc, giả da có tỷ lệ nội địa thấp. Da thuộc, giả da hiện mới đáp ứng được 30%, nguyên liệu vải 70%… nên chưa chiếm được giá trị cao.
Hiện tại, ngành da giày Việt Nam chỉ chiếm 20-25% chuỗi giá trị. Những giá trị đó chủ yếu đến từ hai khâu là: nghiên cứu phát triển và gia công sản xuất. Trong khi đó, giá trị lớn hơn nằm ở thương hiệu, phân phối sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.
Chính sự yếu kém, không phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày, dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam rất thấp (30-40%). Mặt khác, chất lượng của nhiều loại nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hiện chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, như các chỉ tiêu cơ lý, tính thẩm mỹ, độ đều và bền màu… cần phải cải thiện hơn nữa.
Ngoài ra, năng suất lao động thấp khiến sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của DN gặp những hạn chế nhất định. Dù có lợi thế về giá nhân công so với các nước khác nhưng với chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi chi phí đầu ra không tăng, năng suất lao động thấp là những rào cản khiến ngành da giày chưa đạt được mức tăng trưởng cao hơn.
Đơn cử, với DN sản xuất giày của Việt Nam, trung bình một người lao động Việt Nam chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày/ngày, trong khi DN Trung Quốc dù giá nhân công cao nhưng họ sản xuất được 7-8 đôi giày/ngày.
Hơn 200 DN sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại Việt Nam và nước ngoài sẽ tham dự Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu ngành Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam vào ngày 15/03/2017 tại Tp. Hồ Chí Minh. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia năm 2017 thông qua Cục Xúc Tiến Thương mại (Bộ Công Thương), do Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) tổ chức. Tại hội nghị sẽ có nhiều nội dung được trao đổi và thảo luận, bao gồm: Quy hoạch phát triển công nghiệp da giày tại Việt Nam và các chính sách liên quan; Việt Nam sẽ thế nào nếu không có TPP; Đánh giá môi trường đầu tư và cơ hội của ngành Da giày tại Việt Nam; Tác động của Hiệp định thương mại cùng các chính sách đối nội và đối ngoại khác đối với ngành Da giày Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm và thách thức đối với việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày tại Việt Nam và các kế hoạch phát triển; Quản lý quan hệ lao động trong một ngành công nghiệp thâm dụng lao động – nghiên cứu thực tiễn đối với nhà máy sản xuất da giày tại Việt Nam; Trách nhiệm xã hội và sự phát triển bền vững của các nhà sản xuất da giày và cung cấp vật tư cho sản xuất da giày tại Việt Nam… Hội nghị được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. Thông qua Hội nghị, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và mở rộng xuất khẩu, chia sẻ thông tin về thuận lợi, khó khăn, cơ hội thách thức đối với mỗi nước trong khu vực và trên thế giới để có các giải pháp thích hợp, tranh thủ các cơ hội khai thác và mở rộng thị trường, lựa chọn chiến lược phát triển các sản phẩm. |
Thanh Loan