Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2020, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 7,89 nghìn tấn, trị giá 12,2 triệu USD, giảm 34,1% về lượng và giảm 42,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam vào tuần cuối tháng 1/2020 nên hoạt động xuất khẩu chè bị gián đoạn.
Tăng trưởng mạnh trong tháng 2
Chính vì vậy, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường đều giảm mạnh trong tháng 1/2020. Sang tháng 2/2020, xuất khẩu chè đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu chè của Việt Nam từ ngày 1 - 15/2 đạt 4,9 nghìn tấn, trị giá 7,2 triệu USD, tăng 202,3% về lượng và tăng 173,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu chè đạt 12,79 nghìn tấn, trị giá 19,3 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 18,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Nhìn chung, xuất khẩu mặt hàng chè chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 do tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức thấp. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), xét về lượng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ hai thế giới, chiếm 18% lượng xuất khẩu toàn cầu; xét về trị giá là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới chiếm 22,9% tổng trị giá xuất khẩu toàn cầu. Như vậy, với tác động từ dịch Covid-19, sản xuất chè của Trung Quốc sẽ bị gián đoạn. Đây có thể là cơ hội cho các thị trường sản xuất chè trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 2/2020, xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng mạnh sang các thị trường Trung Đông và châu Phi. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 1.088,5% về lượng và tăng 767,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu từ ITC, nhập khẩu chè của Ma-rốc đạt khoảng 220 nghìn tấn/năm và có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016 -2019. Trung Quốc cung cấp tới 99,1% lượng chè nhập khẩu của Ma-rốc trong năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ tư cho Ma-rốc, nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,1% tổng lượng chè nhập khẩu của Ma-rốc trong năm 2019.
Tuy nhiên, nhập khẩu chè của Ma-rốc từ Trung Quốc đang bị gián đoạn do dịch Covid-19. Giá chè xanh Ma-rốc nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân ở mức 2.807,2 USD/tấn, trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 12.500 USD/ tấn. Các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để khai thác thị trường chè xanh Ma-rốc.
Sản xuất theo hướng an toàn và hữu cơ hóa
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu chè của Việt Nam năm 2019 đạt 136 nghìn tấn và 235 triệu USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị so với năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2019 ước đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, chỉ số giá đồ uống dự kiến sẽ tăng 2% vào năm 2020, sau khi giảm 5% vào năm 2019. Giá các mặt hàng được sử dụng để làm đồ uống bao gồm chè, ca cao và cà phê đã giảm xuống trong 2 năm qua, tăng lợi nhuận cho các nhà bán lẻ nhưng gây áp lực lên các nhà sản xuất. Cụ thể, giá chè trung bình toàn cầu trong năm 2019 ước đạt khoảng 2,55 USD/kg, giảm 11% so với năm 2018. Tuy nhiên, giá chè được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong giai đoạn tới và đạt khoảng 2,6 USD/kg vào năm 2020.
Trong khi giá chè xuất khẩu bình quân của thế giới giảm mạnh, thì giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong năm vừa qua. Tuy vậy, với mức 1,7 USD/kg thì giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam vẫn quá thấp so với mức giá bình quân 2,55 USD/kg của thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Việt Nam hiện là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với 130.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 nhà máy chế biến chè, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...
Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ...
“Ngoài lý do chất lượng phẩm cấp chè Việt chưa cao, thì việc chưa có thương hiệu là nguyên nhân chính khiến bao năm qua chè Việt muốn ra nước ngoài vẫn phải “núp” dưới tên của các doanh nghiệp ở những quốc gia khác. Sản xuất và xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Toản chia sẻ.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, để mặt hàng chè phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Phải thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU...
Thực tế trong vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp và HTX đã xuất khẩu được sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ với giá lên tới 40-50 USD/kg, cao gấp 20-25 lần so với xuất khẩu chè thông thường. Bài học cho thấy, để phát triển thương hiệu chè Việt, cần đẩy mạnh sản xuất và chế biến theo hướng an toàn và hữu cơ hóa, tập trung vào các giống chè đặc sản.
Chu Khôi