Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đường mía từ Lào.
Mới đây, Tổng cục Hải quan nhận được thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) về rủi ro gian lận thương mại liên quan đến vận chuyển đường mía từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam.
Theo phản ánh của Hiệp hội, đường Thái Lan có thể xuất khẩu vào Lào theo phương thức tạm nhập tái xuất để vận chuyển đến các khu vực gần biên giới giữa Việt Nam với Lào rồi sau đó vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Đường cát nhập lậu bị thu giữ ở Long An. |
Do đó, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn mặt hàng này, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương trên phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện qua lại khu vực biên giới đường bộ, đường sông, khu vực cảng biển thuộc địa bàn kiểm soát hải quan.
Tổng cục Hải quan đặc biệt lưu ý khu vực gần cửa khẩu Lao Bảo, khu vực sông Sê Pôn (Quảng Trị), các kho tập kết hàng hoá thuộc thị trấn Lao Bảo, các kho trung chuyển từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị) và các khu vực lân cận để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi, buôn lậu, vận chuyển trái phép đường mía qua biên giới.
Cơ quan hải quan tăng cường tuyên truyền tới người dân và doanh nghiệp không tiếp tay hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu mía đường không rõ nguồn gốc trên thị trường; tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cư dân biên giới, cá nhân, tổ chức về việc vi phạm pháp luật của việc buôn lậu, vận chuyển trái phép đường mía qua biên giới.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA nhận định, ngành đường Việt Nam đang phải đấu tranh để sinh tồn vì đầu ra bị thu hẹp và sự cạnh tranh không công bằng của các loại đường nhập lậu. Theo đó, hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng nổ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng kỷ lục đường lậu (nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan) bị các cơ quan chức năng phát hiện trong những tháng đầu năm 2024, đã bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được.
“Giai đoạn 2022 - 2023, ước lượng cầu đường Việt Nam khoảng 2,1 - 2,2 triệu tấn. Nghĩa là đường nhập lậu đang chiếm đến khoảng 30% thị phần trong nước”, ông Lộc chỉ rõ. Đồng thời ông Lộc cho biết thêm: “Thời điểm tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam còn tồn khoảng 65% sản lượng của vụ 2023/24. Chuỗi liên kết mía đường đang đứng trước mối nguy cơ bị hủy hoại.
Chính vì tồn kho lớn cộng với đường nhập lậu liên tục tăng đã đẩy ngành đường vào thực trạng thừa cung, theo đó, giá đường trong nước đang diễn biến theo chiều giảm.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 280 vụ buôn lậu đường kính Thái Lan, khối lượng trên 700 tấn, trị giá hơn 13 tỷ đồng. Lực lượng công an đã khởi tố hình sự 3 vụ, 3 bị can, về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thanh Hoa