Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%. |
Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế,…
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Dự thảo chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Bên cạnh hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, Bộ Công Thương cho biết, tập trung xây dựng đội tàu biển quốc gia vững mạnh, tập trung hỗ trợ hình thành đội tàu biển container đủ sức chuyên chở hàng hóa đến các thị trường lớn trên thế giới, xây dựng đội tàu bay chở hàng hóa.
Đồng thời, thiết lập hệ thống đại lý, từng bước chuyển sang thiết lập văn phòng, đại diện và chi nhánh ở nước ngoài…
Theo Bộ GTVT, chi phí logistics của Việt Nam những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể, tương đương 18% GDP vào năm 2022. Những năm trước, chi phí này của Việt Nam ở mức cao, khoảng 20% GDP. Theo kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm mức chi phí này còn 16 - 20% GDP. Tuy nhiên, so với thế giới, mức này vẫn còn cao (chi phí logistics trên thế giới hiện khoảng 11% GDP).
Theo đánh giá của Agility, năm 2022 Việt Nam xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.
Thy Lê