Cùng với sự phát triển của kinh tế nhất là thương mại điện tử và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân vì hỗ trợ đắc lực trong kết nối và phát triển kinh tế hàng hóa.
Mất cân đối nghề nghiệp
Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, logistics đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam. Và đi liền với sự phát triển đó là nhu cầu về nguồn nhân lực không hề nhỏ.
Thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, cho thấy đến năm 2030, ngành logistics Việt Nam cần thêm 2,2 triệu nhân lực.
Tuy nhiên đến nay, nguồn nhân lực cho ngành này ở Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu cả về tri thức, kỹ năng mềm, tính sáng tạo. Tại Diễn đàn quốc tế về Giáo dục nghề nghiệp về Giáo dục nghề nghiệp “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số” tổ chức ngày 24/10, ông Thomas Harris, Giám đốc điều hành Harris Global, cho biết cản trở về về nguồn nhân lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành logistics Việt Nam dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn manh mún và có chi phí cao hơn so với các nước khác ngay ở trong khu vực.
Ông Vũ Ninh, Thành viên Hội đồng quản trị, Tập đoàn Gemadept, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics, cho biết tại đơn vị của ông, có đến 2/3 người lao động làm việc trực tiếp tại cảng, kho và chỉ có khoảng 1/3 nguồn lao động là tốt nghiệp thạc sĩ, cử nhân.
Quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp đúng cách sẽ giải quyết tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành nghề. |
Điều này có nghĩa là ngoài nguồn nhân lực được đào tạo ở trình độ cao, thì ngành logistics cũng cần rất nhiều nguồn nhân lực đào tạo ở cấp giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, cần tăng cường đào tạo để các doanh nghiệp trong ngành logistics có đủ người làm việc và nâng cao năng suất lao động. Khi đó, người lao động trong lĩnh vực này cũng sẽ nâng cao được thu nhập.
Vậy nhưng, logistics là ngành đòi hỏi kỹ năng nghề cao nhưng để xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực như hiện nay một phần là do tâm lý của nhiều người vẫn ưa chuộng bằng cấp. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng, một số ngành nghề thừa lao động nhưng một số ngành nghề đòi hỏi kỹ năng như logistics, chíp bán dẫn… lại rơi vào cảnh thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Do đó, nhiều “ông lớn” ở nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng đang quan ngại về vấn đề thiếu nhân lực được đào tạo nghề bài bản.
Nếu như các nước trên thế giới, tỷ lệ đào tạo trung bình sẽ là 1 người học đại học thì có 2-3 người cao đẳng, 3-5 người trung cấp. Nhưng ở Việt Nam hiện lại đi ngược: 10 người học đại học nhưng chỉ có 1 người học trung cấp.
Điều này gây ngạc nhiên với ngài Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski. Ngài đại sứ cho rằng, khảo sát mới nhất vào năm 2023 tại Australia cho thấy, cứ 5 người dân có 1 người tham gia học giáo dục nghề nghiệp, còn ở Việt Nam, tỷ lệ này là 1/50. Điều này không phát huy được sức mạnh của toàn bộ người dân vào phát triển kinh tế đất nước.
Đẩy mạnh liên kết vùng để đào tạo nhân lực phù hợp hợp
Ông Andrew Goledzinowski, cho rằng Australia có một nền kinh tế tương đối mở nên giáo dục nghề nghiệp được Chính phủ xác định là có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Chính vì vậy, hiện nay không chỉ người trẻ mà cả những người lớn tuổi cũng tham gia giáo dục nghề nghiệp để nâng cấp bản thân, làm được nhiều ngành nghề, từ đó tạo nên cuộc cách mạng trong giáo dục nghề nghiệp.
Tại Australia cũng mất nhiều thời gian để thuyết phục phụ huynh, học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. Nhưng có điểm khác là có 27 triệu dân nên cần đảm bảo mỗi người dân đều tham gia vào sự phát triển kinh tế từ đó thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập cộng động cho người khuyết tật cũng là một trong những cách thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp ở nước này.
Trong khi Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, muốn trở thành nước có thu nhập cao thì phải huy động tất cả người dân và trao cho họ cơ hội tham gia vào phát triển đất nước. “Muốn vậy phải tạo cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp phát triển cũng như tạo cơ hội để người dân tham gia giáo dục nghề nghiệp”, ông Andrew Goledzinowski chia sẻ.
Ngoài nhân lực được đào tạo ở cấp cao, ngành logistics cũng cần rất nhiều nhân lực đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. |
Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay, cụ thể là trong đào tạo nhân lực ngành logistics thì Luật Thương mại tại Việt Nam mới chỉ công nhận logistics là hành vi chứ chưa phải là ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Trong khi đây là ngành được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng phát triển và có sức cạnh tranh lớn.
Đi liền với đó, đã có những trường quan tâm đào tạo nhân lực cho ngành logistics nhưng số lượng vẫn còn nhỏ và chất lượng đầu ra của người học vẫn còn khoảng cách lớn so với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này được các chuyên gia cho rằng các trường mới chỉ tập trung vào đào tạo chuyên môn, chưa chú trọng đến kỹ năng mềm nên khả năng thích ứng của người học còn hạn chế.
Để cung-cầu nhân lực trong ngành logistics gặp được nhau thì nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là điều quan trọng. Muốn vậy, cần đặt nhu cầu của ngành vào thực tế của đất nước để có hướng đi cụ thể.
Hiện, Việt Nam xác định ngành nông nghiệp, công nghiệp sẽ giảm dần, thay vào đó là tăng dần ngành dịch vụ, du lịch. Và mục tiêu đến 2025-2028, cả nước có 30%-50% nguồn lao động qua đào tạo. Trong khi nguồn lao động qua đào tạo hiện chỉ đạt 26,8%. Lao động Việt Nam cũng chủ yếu tham gia các công việc giản đơn, qua đào tạo nhưng thời gian ngắn. Đây là thách thức trong thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, chất xám cao từ nước ngoài vào đầu tư.
Để hoàn thành mục tiêu này, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, cho rằng một trong những hướng đi của ngành là đẩy mạnh liên kết vùng để đào tạo nhân lực phù hợp hợp theo vùng miền, ngành nghề, khu vực.
Bên cạnh đó, thay vì tâm lý học một lần dùng cả đời thì cần thay đổi thành học tập suốt đời để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập. Muốn vậy cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, giảng viên, giúp người được đào tạo ở Việt Nam có thể thích ứng với doanh nghiệp nước ngoài và có nguồn thu nhập cao.
Theo các chuyên gia, để không mất cân đối về nhân lực giữa các ngành nghề, công tác dự báo nhu cầu của các ngành, các lĩnh vực cần được quan tâm nhằm có định hướng đào tạo và học nghề phù hợp.
Ông Paul Walsh, Giám đốc điều hành Tổ chức Kỹ năng ngành Australia, cho rằng điều quan trọng là trong bài toán cung cầu nguồn nhân lực một số ngành nghề chất lượng cao tại Việt Nam là cần đẩy mạnh thu hút hút doanh nghiệp vào tham gia đào tạo cùng với các trường và sự tham gia của Nhà nước.
Và muốn thu hút được doanh nghiệp, từng ngành cần phải có mục tiêu, mục đích rõ ràng. Chẳng hạn với ngành nông nghiệp, công nghiệp, logistics thì có mục tiêu gì cụ thể về năng suất , nhân lực… để doanh nghiệp có kim chỉ nam định hướng cho hành động của người học.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hợp tác giữa các ngành có cùng điểm tương đồng để có sức mạnh, bổ trợ cho nhau nhằm có thể xây dựng các kỹ năng chung, tối ưu hóa nguồn lực.
Tùng Lâm