Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của cả nước.
Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023).
Chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. |
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Một điểm đáng lưu ý đó là một con lợn nuôi 5 tháng mới được bán hoặc đến thời kỳ sinh sản. Trong khi tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn 5 tháng nữa là Tết. Nếu không chủ động trong chăn nuôi với các biện pháp, phương án cụ thể thì trước, trong và sau Tết, ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp những khó khăn nhất định, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thịt cung ứng ra thị trường và tác động rất lớn đến nền kinh tế cả nước.
Thực tiễn năm 2020 cho thấy, khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra khiến cả nước làm lợn bị chết rất nhiều. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, lợi nhuận của nông dân, HTX, doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến CPI. Trong khi CPI quyết định không nhỏ đến nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Do đó, làm sao ổn định được giá cả cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo CPI của cả nước là một bài toán mà các cơ quan quản lý cần quan tâm giải quyết. Vấn đề giống, thức ăn, môi trường, xuất khẩu, kiểm soát dịch bệnh… cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững hơn nữa.
Tại hội nghị, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023.
Chăn nuôi lợn hiện nay tập trung nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 22,9%), tiếp đó là các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,8%), Đông Nam Bộ (19,6%) và Đồng bằng Sông Hồng (19,4%), hai vùng có chăn nuôi lợn thấp nhất là vùng Tây Nguyên (9,5%) và ĐBSCL (8,8%).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2.535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023 (quý II ước đạt 1.241,9 nghìn tấn, tăng 5,6%).
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về phương thức chăn nuôi từ quy mô chăn nuôi nông hộ sang quy mô trang trại, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua, chiếm khoảng 75% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi. Tỷ trọng thức ăn tận dụng, tự chế biến, phối trộn chỉ chiếm khoảng 25%.
Đặc biệt, khi thị trường có biến động về giá, người chăn nuôi vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, để bảo đảm được lợi nhuận cho người chăn nuôi, một trong những vấn đề được Cục Chăn nuôi quan tâm là làm sao để gắn kết giữa các tác nhân nhằm phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững. Điều này sẽ giúp chia sẻ lợi nhuận của các nhân tố trong ngành hàng và cuối cùng là bảo đảm lợi ích của người dân, HTX khi tham gia chăn nuôi lợn.
Huyền Trang