“Dù thị trường có lên xuống thế nào, giá bán của đơn vị vẫn ổn định” luôn là kim chỉ nam hoạt động của HTX Đồng Tâm, anh Tường khẳng định.
Cơ duyên với phương thức chăn nuôi mới
Vừa đi vừa trò chuyện, anh Tường kể, năm 2014, khi đó gia đình anh được một đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội chọn tham gia dự án nuôi lợn bằng cám sinh học.
HTX Đồng Tâm có khu trang trại chăn nuôi lợn khép kín với quy mô khoảng 1ha. |
Ban đầu, anh Tường cũng bỡ ngỡ và khá lo lắng, sau đó được sự động viên từ các cấp, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, anh tự tin hơn. Khởi điểm, gia đình anh được hỗ trợ 30 con lợn giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Sau khi thực hiện thí điểm bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Không giống với các hộ chăn nuôi khác, thường khi hết dự án, hết hỗ trợ là lại trở về với phương thức sản xuất cũ, anh Tường nhận thấy mô hình nuôi lợn bằng cám sinh học có hướng phát triển tốt, tạo ra thịt lợn thơm ngon khác biệt nên quyết tâm theo đuổi cách làm này. Anh tự kết nối với công ty sản xuất cám sinh học để mua và nuôi tiếp.
Anh chia sẻ: "Nuôi lợn bằng cám sinh học có lợi thế là bảo vệ môi trường, chuồng trại không có mùi hôi thối, lợn khỏe mạnh, giảm chi phí dùng thuốc thú y cũng như hóa chất khử trùng tiêu độc. Thời gian nuôi gấp rưỡi, gấp đôi theo cách nuôi bằng cám công nghiệp giúp cho chất lượng thịt thơm ngon, khác biệt, tuy nhiên thời gian đầu không mấy người biết đến nên tôi chấp nhận bán bằng với giá thịt thông thường để giới thiệu. Người này mua ăn thử rồi mách cho người kia, dần dần thịt lợn sinh học trở thành một xu hướng mới được khách hàng ưa chuộng".
Đặc biệt, xác định "đi một mình tuy nhanh nhưng không được lâu dài" nên năm 2016, anh Tường mạnh dạn thành lập HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm với 10 thành viên, để cùng đi theo một con đường sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, sơ chế và đóng gói sản phẩm. Quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi vào khoảng 1.000 con lợn thịt.
Sau đó, các thành viên HTX nhận thấy, nếu cứ mua thức ăn sinh học mà chăn nuôi sẽ không thu được lợi nhuận cao nên mày mò tìm hiểu cách tự phối trộn thức ăn rồi bổ sung men sinh học.
HTX trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ trong quá trình chăm sóc lợn: hệ thống làm mát, máng cho ăn tự động,…. |
Chất lượng làm nên thương hiệu sản phẩm
Hiện, HTX có 7 hộ thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học và 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị.
Anh Tường cho biết, để tạo ra sản phẩm thịt lợn sinh học đòi hỏi đầu vào phải là nguồn thức ăn được lựa chọn từ những sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên như ngô, cám, sắn, không dùng các chất phụ gia, tạo màu, chất hóa học độc hại. Hơn nữa, nguồn nước sử dụng phải đạt tất cả các chỉ tiêu cho phép. Quy trình chăn nuôi được khép kín từng giai đoạn một, từ việc tạo ra nguồn con giống đảm bảo chất lượng đến nuôi dưỡng, giết mổ, sơ chế, đóng gói, chế biến đều do HTX đứng ra đảm nhiệm. Hàng tháng, HTX thường xuyên gửi mẫu sản phẩm đi phân tích để kiểm tra chất lượng thịt.
Khu chế biến luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn. |
Bởi chất lượng thịt cao, nên HTX xây dựng giá bán riêng biệt, không phụ thuộc nhiều vào thị trường, thường cao hơn khoảng 25-30%. Khách hàng là các công ty, các cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ với HTX qua việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đều với mức giá riêng, ổn định theo kỳ. Nếu trong giai đoạn đó, thị trường biến động không quá 50% thì hai bên giữ nguyên giá như hợp đồng, còn tăng hay giảm trên 50% thì đàm phán để thay đổi.
Về hiệu quả kinh tế, Giám đốc Nguyễn Đình Tường cho hay: “Với mô hình liên kết xây dựng chuỗi nuôi lợn sinh học khép kín, HTX không những chủ động được thị trường tiêu thụ, mà giá bán thịt lợn loại này còn cao hơn so với thịt lợn thông thường, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, mô hình cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng”.
Dù có nhiều thuận lợi, nhưng HTX Đồng Tâm vẫn còn những khó khăn trong quá trình hoạt động. Trước thực trạng thị trường tiêu thụ biến động như hiện nay, anh Tường và các thành viên trong HTX rất mong muốn các cơ quan chức năng và các đơn vị doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi để hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn chất lượng cao.
Các sản phẩm được đóng gói, hút chân không kỹ và in đầy đủ thông tin, nguồn gốc sản phẩm. |
Ứng dụng công nghệ, mở rộng quy mô
HTX Đồng Tâm chú trọng từ khâu chăm sóc cho đến chế biến. HTX trang bị các hệ thống làm mát trong chuồng trại, phân và nước tiểu theo đường ống chảy vào bể chứa nên không gian rất sạch sẽ và không có mùi hôi thối.
Từ chăn nuôi sạch, HTX tận dụng phân thải để làm nguyên liệu đốt (biogas), vừa tiết kiệm vừa tối ưu hóa.
Ngoài ra, để đáp ứng lượng đơn đặt hàng mỗi ngày, HTX xây dựng khu sơ chế, giết mổ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại: máy hút chân không, cân điện tử, máy xay thịt,… Đối với những đơn hàng đặt sớm giao muộn, HTX bảo quản trong kho lạnh để khi thịt tới tay khách hàng vẫn còn đủ độ tươi để làm nem, xay giò,…
Giám đốc Nguyễn Đình Tường cho hay: “Với mô hình liên kết xây dựng chuỗi nuôi lợn sinh học khép kín, sản phẩm của HTX ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”. |
Trước tình hình đáng báo động về hỏa hoạn, HTX Đồng Tâm cũng đã xây dựng các quy định nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy trong quá trình làm việc, bình chữa cháy được lắp đặt mọi nơi trong trang trại cũng như khu chế biến.
Trung bình mỗi ngày, chuỗi sản xuất của HTX cung cấp ra thị trường TP. Hà Nội từ 3 - 5 con lợn thịt với nhãn hiệu “Thịt lợn sạch Quốc Oai” thông qua các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, bếp ăn tại huyện Quốc Oai cũng như khu vực nội thành. Hiện, doanh thu của HTX khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng/tháng.
Năm 2020, TP. Hà Nội đã chứng nhận 3 sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP 4 sao gồm thịt lợn sinh học Đồng Tâm, giò lợn sinh học Đồng Tâm và xúc xích sinh học Đồng Tâm.
Trong tương lai, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm dự kiến mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, sẽ đưa các sản phẩm của HTX tham dự triển lãm và hội chợ để trưng bày, giới thiệu, quảng bá. Trên địa bàn xã cũng đã có điểm kết nối giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn, các sản phẩm OCOP, từ đó giới thiệu với bà con địa phương, người tiêu dùng ở Thủ đô cũng như trên toàn quốc.
Lãnh đạo xã Cấn Hữu đánh giá: "Anh Nguyễn Đình Tường là một hội viên nông dân luôn tâm huyết, năng động, sáng tạo và nhạy bén trong cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm và đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, mô hình chăn nuôi theo chương trình lợn sinh học an toàn đã đem lại hướng đi mới trong nông nghiệp cho nhiều nông dân trên địa bàn xã".
Lê Hồng